Chờ...

Những thực phẩm tốt cho người bị viêm loét dạ dày

VOH - Viêm loét dạ dày là bệnh lý tiêu hóa thường gặp trong xã hội hiện đại ngày nay. Viêm loét dạ dày - tá tràng là bệnh làm tổn thương loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng.

Chế độ ăn uống cho người bị viêm loét dạ dày cần ưu tiên các thực phẩm có tác dụng giảm tiết acid, giảm tác dụng của axit dạ dày tiết ra lên niêm mạc dạ dày. Dưới đây là những thực phẩm tốt cho người bị viêm loét dạ dày.

Ảnh minh họa – 13-7-2024

Ảnh minh họa: Internet

Thực phẩm giàu chất xơ

Táo, lê, yến mạch, và các loại thực phẩm giàu chất xơ tốt cho bệnh nhân loét dạ dày ở hai điểm.

Thứ nhất, chất xơ có thể làm giảm nồng độ acid trong dạ dày, khiến các triệu chứng đau và chướng nhẹ đi. Thứ hai, các nghiên cứu đã cho thấy chế độ ăn giàu chất xơ giúp hạn chế loét dạ dày.

Tinh bột

Người bị viêm loét dạ dày có thể dùng bánh mì, các loại khoai, cơm tẻ... làm bữa ăn trong ngày. Các loại thực phẩm này không chỉ tạo năng lượng cho cơ thể mà còn giúp dạ dày được bảo vệ.

Protein nạc

Thịt gia cầm không da, thịt bò nạc như thăn hoặc thăn nội, cá, trứng, đậu phụ, tempeh, đậu khô và đậu Hà Lan là những nguồn cung cấp protein ít chất béo.

Cá béo như cá hồi, cá thu và cá mòi cung cấp chất béo omega-3 có thể làm giảm viêm và hữu ích trong việc ngăn ngừa vết loét mới.

Sữa và sản phẩm làm từ sữa

Dù đang chịu tổn thương, dạ dày vẫn đủ khả năng dung nạp sữa ít béo và các sản phẩm làm từ nó, ví dụ như sữa chua hay phô mai.

Do đó, câu trả lời cho thắc mắc viêm loét dạ dày nên ăn gì là bạn có thể dùng sữa ít béo và các chế phẩm từ sữa ít béo.

Nghệ và mật ong

Nghệ có tác dụng chống viêm, giảm tiết dịch vị, kiềm hoá độ acid của dịch vị. Mật ong có tác dụng điều hòa nồng độ acid tại dạ dày, tránh tình trạng kích ứng dạ dày.

Gừng

Gừng có thể giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm các triệu chứng đau dạ dày, đầy hơi, khó tiêu. Có thể bổ sung gừng vào thực đơn hàng ngày như uống trà gừng hay nhấm nháp một vài lát gừng sống.

Chuối

Chuối là một loại quả mà bệnh viêm loét dạ dày có HP+ nên ăn vì trong chuối có chứa thành phần có khả năng ức chế hoạt động của vi khuẩn HP, đồng thời làm tăng chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Những người bị viêm loét dạ dày có HP+ nên ăn 1 quả chuối sau mỗi bữa ăn sẽ giúp tình trạng bệnh nhanh chóng được cải thiện.

Đậu bắp

Đậu bắp chứa nhiều vitamin B, C, E, và các dưỡng chất khác, đặc biệt nhất chất nhầy trong đậu bắp là phức hợp protein kết dính polysaccharides, pectin và một số chất khác.

Các chất này giúp bảo vệ tốt cho niêm mạc dạ dày, ngăn ngừa các nguy cơ gây tổn thương niêm mạc dạ dày, và hỗ trợ làm lành các vết viêm loét trong dạ dày.