Những vấn đề có thể bạn chưa biết về vết mổ lấy thai cũ

(VOH) – Đối với những thai phụ mổ lấy thai thì trên tử cung sẽ có dấu vết của sẹo cũ. Vậy những trường hợp có vết mổ lấy thai cũ thì chị em cần làm gì để có thể mang thai an toàn ở những lần sau?

Như thế nào được gọi là vết mổ lấy thai cũ?

Vết mổ cũ là thuật ngữ dùng để diễn tả trên tử cung người phụ nữ có tồn tại vết sẹo. Vết sẹo ấy có thể là hậu quả của nhiều cuộc mổ khác nhau như mổ bóc nhân xơ, mổ cắt một phần lạc nội mạc tử cung, hoặc những trường hợp giải quyết các dị tật tử cung... Trong lĩnh vực sản phụ khoa, vết mổ cũ lấy thai được hiểu là trên tử cung của người thai phụ hoặc người phụ nữ có một vết sẹo và vết sẹo đó là hệ quả lần sinh mổ trước.

Phụ nữ có vết mổ cũ trên tử cung là một trong những vấn đề mà các bác sĩ sản phụ khoa vô cùng quan tâm, bởi vì một tử cung nguyên vẹn khi chuyển dạ thì sự co bóp của tử cung chính là bước quan trọng để đẩy em bé ra ngoài. Nhưng nếu trên tử cung có vết sẹo thì vị trí đó sẽ là nơi yếu nhất là, trong cuộc sinh thường việc co bóp tử cung có thể khiến vết sẹo cũ bị nứt hoặc bị vỡ ra và điều đó sẽ rất nguy hiểm cho thai phụ.

Chính vì thế những trường hợp phụ nữ có vết mổ cũ khi mang thai sẽ được xếp vào nhóm thai kỳ có nguy cơ cao.

Có vết mổ cũ trên tử cung bao lâu mới được mang thai lại?

Theo TS BS Nguyễn Thị Thanh Hà (Giảng viên Trường Đh Y Dược TPHCM), một vết sẹo ở cổ tử cung để đảm bảo quá trình phục hồi tốt và đảm bảo độ an toàn trong lần mang thai tiếp thì thời gian tối thiểu phải trên 18 tháng.

nhung-van-de-co-the-ban-chua-biet-ve-vet-mo-lay-thai-cu-voh

Thời gian mang thai tiếp theo ở phụ có vết mổ lấy thai cũ là từ 18 tháng (Nguồn: Internet)

Nếu chưa đến 18 tháng, người phụ nữ đã mang thai thì được gọi là vết mổ cũ mới, nghĩa là quá trình lành sẹo chưa tốt, có nguy cơ nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Thông thường, thời gian tốt nhất để mang thai được các bác sĩ khuyến cáo là từ 2 - 5 năm sau khi sinh mổ.

Mang thai sớm sau sinh mổ nguy hiểm thế nào?

Mang thai sớm sau thời gian mổ lấy thai ẩn chứa nhiều nguy hiểm, bởi dù bạn quyết định chấm dứt thai kỳ hay giữ thai cũng đều có thể tác động không tốt cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

  • Nếu chấm dứt thai kỳ bạn có thể gặp nguy cơ thủng tử cung – một trong những tai biến nguy hiểm.
  • Nếu giữ thai bạn có thể đối mặt với tình trạng vết mổ bị nứt, bị bục ra và có thể gây chảy máu xuất huyết nội hoặc chảy máu vào trong bụng, thậm chí vỡ tử cung.

Để phát hiện những nguy cơ này, thai phụ cần đến khám bác sĩ để được hướng dẫn vấn đề theo dõi vết mổ cũng như cách để phát hiện bất thường. Khi thấy bị ra huyết âm đạo trong lúc mang thai mà vết mổ cũ mới thì càng nên đến gặp bác sĩ sản phụ khoa càng sớm càng tốt

Thông thường, để dự phòng cho thai phụ thì trong quá trình khám thai, bác sĩ sản phụ khoa sẽ hỗ trợ phổi cho em bé bằng cách tiêm trưởng thành phổi khi thai khoảng 30-32 tuần. Và thời điểm sinh ở những thai phụ này thường diễn ra sớm hơn khoảng 1 tuần đến 10 ngày, nghĩa là khi thai được 38-39 tuần bác sĩ sẽ chủ động mổ lấy thai.  

Sinh thường khi đã từng sinh mổ được hay không?

Qua thống kê trong y khoa, những người phụ nữ đã có tiền căn mổ lấy thai thì khả năng sinh lại bằng ngã âm đạo chiếm khoảng 25%. Tuy nhiên, để được sinh thường bạn phải thỏa mãn được một số các điều kiện như sau:

  • Thứ nhất: Chất lượng của vết mổ lần trước ở tử cung phải được đảm bảo, tức là phụ thuộc vào thời gian lành sẹo. Thông thường, khoảng cách giữa lần mang thai và vết mổ lấy thai trước phải cách nhau tối thiểu từ 18 tháng đến 2 năm.
  • Thứ 2: Phụ thuộc vào kỹ thuật mổ của lần mổ trước.
  • Thứ 3: Xem xét các nguyên nhân mổ lấy thai lần trước ở lần mang thai này còn tồn tại hay không? Nếu có tồn tại thì bắt buộc sẽ phải mổ lấy thai ở lần mang thai tiếp theo. Nếu các nguyên nhân đó không còn tồn tại và bác sĩ kiểm tra thấy khung chậu bình thường thì thai phụ có thể được phép sinh ngã âm đạo.

nhung-van-de-co-the-ban-chua-biet-ve-vet-mo-lay-thai-cu-1-voh

Có khoảng 25% thai phụ có thể sinh thường khi đã từng sinh mổ (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, cần lưu ý để một người phụ nữ đã từng mổ lấy thai sinh qua ngã âm đạo thì sẽ có những nguy cơ kèm theo chẳng hạn: vết mổ đó có thể nứt, vỡ bất kỳ lúc nào đặc biệt là trong lúc chuyển dạ. Do đó, nếu quyết định sinh bằng ngã âm đạo thai phụ sẽ được tư vấn kỹ càng về các mối nguy cơ cũng như ký vào giấy cam kết. Khi sinh bằng ngã âm đạo, các thai phụ này cũng không rặn sinh giống như trường hợp bình thường. Khi có điều kiện thuận lợi, bác sĩ thường sẽ hỗ trợ sinh bằng kẹp gắp thai (kẹp Forceps) hoặc dùng máy hút để hút thai ra nhằm hạn chế việc thai phụ rặn sinh.

Ngoài ra, thai phụ cũng sẽ gặp các tình huống bắt buộc phải mổ lấy thai như khi có cơn gò quá mức khiến vết mổ bị bung ra. Lúc này, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng vết mổ, nếu nhẹ bác sĩ sẽ tiến hành may lại, nếu nặng có thể phải cắt tử cung và phải truyền máu trong trường hợp có xuất huyết.

Ngừa thai sau vết mổ lấy thai cũ bằng cách nào?

Để tránh tình trạng mang thai sớm khi có vết mổ cũ trên tử cung chị em nên sử dụng các biện pháp ngừa thai. Hiện tất cả các phương pháp ngừa thai chị em đều có thể áp dụng được như: dùng bao cao su, dùng thuốc nội tiết bằng đường uống, đường dán hoặc đường chích. Ngoài ra, chị em cũng có thể đặt dụng cụ tử cung, hay còn gọi là đặt vòng tránh thai.

Bên cạnh đó, chị em lưu ý:

  • Không nên sinh quá nhiều con, đặc biệt là khi sinh mổ.
  • Nếu có thai thì không nên mổ trên 3 lần.
  • Đã mổ trên 3 lần thì dù ở độ tuổi nào cũng nên thực hiện triệt sản bởi vì nếu mổ lấy thai lần 4 sẽ vô cùng nguy hiểm. 

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Sinh mổ và những vấn đề mẹ bầu cần nên biết : Có nhiều mẹ bầu gặp khó khăn trong việc sinh thường nên bắt buộc phải lựa chọn sinh mổ. Vậy sinh mổ là gì? Những vấn đề nào cần quan tâm sau sinh mổ?
Hướng dẫn cách chăm sóc vết mổ sau sinh chuẩn nhất :Khi sinh thường các mẹ cần phải chăm sóc rất kĩ lưỡng, sinh mổ các mẹ càng phải cẩn thận chăm sóc vết mổ sau sinh hơn nữa.