Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nổi gân xanh dưới da báo hiệu điều gì về sức khỏe?

(VOH) – Bạn có bao giờ tự thắc mắc, tại sao có những người có nhiều đường gân xanh, trong khi một số khác lại không có. Và hiện tượng nổi gân xanh là bình thường hay là dấu hiệu vấn đề sức khỏe?

Đầu tiên cần biết rằng, gân xanh nằm dưới lớp da được gọi là tĩnh mạch (hay còn gọi là ven/vẹn), là mạch máu thuộc hệ tuần hoàn trong cơ thể. Tĩnh mạch có chức năng vận chuyển lượng máu ít oxy từ các mô trong cơ thể về tim để được bổ sung dưỡng khí và lại tiếp tục hành trình nuôi dưỡng cơ thể. Và nếu để ý, bạn sẽ thấy có những người “sở hữu” những đường gân xanh ở tay, chân hoặc khắp cơ thể một cách chằng chịt, trong khi một số người khác thì không.

1. Những lý do dẫn đến nổi gân xanh dưới da

Tình trạng nổi gân xanh ở chân, tay hay khắp cơ thể.... có thể là dấu hiệu bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy vấn đề sức khỏe bất ổn. Dưới đây là 5 nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng nổi gân xanh dưới da:

1.1 Nổi gân xanh do màu da

Những người có làn da trắng sẽ dễ nhìn thấy gân xanh hơn so với những người da ngâm đen. Ngoài ra, những làn da mỏng cũng dễ nổi gân xanh hơn, đặc biệt là với người cao tuổi. Đó là lý do vì sao bạn thường thấy những người cao tuổi thường nổi gân xanh ở tay, chân hoặc khắp người.

noi-gan-xanh-duoi-da-bao-hieu-dieu-gi-ve-suc-khoe-voh

Những người có làn da trắng thường rất dễ thấy những đường gân xanh (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, một số trường hợp bẩm sinh đã có tĩnh mạch nằm sát với bề mặt của làn da dẫn đến gân xanh nổi rõ và dễ nhìn thấy hơn.

1.2 Nổi gân xanh do quá gầy

Khối lượng chất béo trong cơ thể cũng có thể là nguyên nhân khiến da nổi gân xanh nhiều hơn. Với những người gầy ốm, trọng lượng chất béo (cả tốt lẫn xấu) trong cơ thể đều thấp, điều này đồng nghĩa với việc lớp mỡ dưới da mỏng nên không thể che phủ được hoàn toàn các đường gân xanh. Vì thế, bạn sẽ thấy những người này có nhiều đường gân xanh hơn.

1.3 Nổi gân xanh do vận động mạnh

noi-gan-xanh-duoi-da-bao-hieu-dieu-gi-ve-suc-khoe-1-voh

Hiện tượng nổi gân xanh có thể gặp ở những người thường xuyên tập luyện vận động mạnh (Nguồn: Internet)

Chân tay nổi gân xanh có thể gặp ở những người thường xuyên tập luyện vận động mạnh. Nguyên nhân được lý giải là do, trong quá trình tập luyện, cơ bắp của người tập hoạt động bằng cách phồng lên và đẩy tĩnh lên bề mặt da gây ra hiện tượng nổi gân xanh. Sau khi kết thúc tập luyện, các cơ bắp sẽ giãn ra và tĩnh mạch sẽ trở về vị trí cũ, đồng thời mờ dần đi.

1.4 Nổi gân xanh ở phụ nữ mang thai

Rất nhiều phụ nữ gặp phải hiện tượng nổi gân xanh khi mang thai và điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Để nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ, lượng máu luân chuyển trong cơ thể người mẹ sẽ được tăng lên đáng kể để, dẫn đến việc các mạch máu sẽ căng hơn so với bình thường. Các mẹ không cần phải lo lắng về hiện tượng này, bởi những đường gân xanh này sẽ biến mất sau khi em bé được sinh ra đời.

1.5 Nổi gân xanh do vấn đề sức khỏe

noi-gan-xanh-duoi-da-bao-hieu-dieu-gi-ve-suc-khoe-2-voh

Gân xanh nổi ngoằn ngoèo dưới da là dấu hiệu của các bệnh về tĩnh mạch (Nguồn: Internet)

Một số trường hợp, cơ thể nổi gân xanh chính là dấu hiệu báo động về sức khỏe. Nếu thấy gân xanh nổi cục nhấp nhô, ngoằn ngoèo lên khỏi mặt phẳng của da kèm theo một số triệu chứng như đau ngực, khó thở, viêm loét gần tĩnh mạch... thì cần đi khám sức khỏe ngay nếu có thể.

Hiện tượng nổi gân xanh trong trường hợp này là một báo hiệu cho thấy tĩnh mạch đang bị tổn thương như: giãn tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch... Gân xanh càng to thì cho thấy bệnh cảnh càng nặng, thời gian mắc bệnh càng lâu.

Nhìn chung, có rất nhiều người gặp phải hiện tượng nổi gân xanh dưới da. Mặc dù đa số các trường hợp việc cơ thể nổi gân xanh là không đáng lo ngại. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến dấu hiệu nổi gân xanh là bệnh tật. Do đó, nếu nhận thấy có hiện tượng nổi gân xanh kèm theo các triệu chứng lâm sàng bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám tốt nhất.

Bình luận