Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chớ xem thường hội chứng ống cổ tay

(VOH) – Hội chứng ống cổ tay được miêu tả là tình trạng tê rần các đầu ngón tay, dấu hiệu này nhanh chóng biến mất nhưng không lâu sau lại tái phát với mức độ nghiêm trọng hơn.

1. Hội chứng ống cổ tay là gì?

Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay, hội chứng chèn ép thần kinh giữa (có tên khoa học là Carpal tunnel syndrome). Đây là một tập hợp các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên thường gặp nhất.

Hội chứng ống cổ tay xảy ra do thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay. Trong ống cổ tay chứa đựng thần kinh giữa và gân gấp các ngón. Ống cổ tay được tạo bởi mạc giữ gân gấp và các vách xung quanh là bờ của các xương cổ tay (một ống kém đàn hồi). Khi áp lực trong ống cổ tay tăng lên thì thần kinh giữa là phần bị chèn ép trực tiếp, gây đau và yếu bàn tay.

Đây là một dạng chấn thương liên quan đến công việc nhiều nhất và nó là một trong biểu hiện của bệnh văn phòng. Bệnh này thường gặp ở những người thường xuyên sử dụng các cơ và gân của ngón tay, bàn tay, cánh tay, bả vai.

Nữ giới là đối thường gặp hơn và gấp 4 lần nam giới trong cùng độ tuổi. Phụ nữ mang thai cũng có thể gặp phải hội chứng này.

Tuy không gây tử vong nhưng nhưng về lâu dài có thể dẫn đến tàn tật do tổn thương thần kinh và mạch máu, teo cơ gò cái, nếu không điều trị có thể dẫn đến teo cơ tay, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

cho-xem-thuong-hoi-chung-ong-co-tay-voh

Hội chứng ống cổ tay xảy ra do dây thần kinh giữa cổ tay bị chèn ép (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân gây hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay có thể xảy ra từ các nguyên nhân sau:

  • Do tăng thể tích ống cổ tay: Thường gặp ở những người béo phì, phụ nữ mang thai (xuất hiện vào những tháng giữa và cuối thai kỳ).
  • Do các bệnh về chuyển hóa, bệnh hệ thống như: Tiểu đường, nhược giáp, viêm khớp dạng thấp, Acromegaly (bệnh to đầu chi), bệnh của mô liên kết.
  • Do có chấn thương vùng cổ tay, gãy đầu dưới xương quay di lệch.
  • Do bất thường ở vùng cổ tay, ví dụ: ống cổ tay nhỏ bẩm sinh, dị dạng các gân gập....

3. Triệu chứng nhận biết hội chứng ống cổ tay

Triệu chứng điển hình của hội chứng ống cổ tay là đau tay, tê ở gan bàn tay, tê buốt như kim châm ở bàn tay, tê nhức, châm chích ở các ngón tay, đặc biệt là ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ½ ngón áp út, thường không bị đau ở ngón út. Triệu chứng có thể xảy ra ở cả 2 tay, nhưng thường nặng hơn ở bàn tay thuận.

Khi bệnh diễn tiến nặng, người bệnh không chỉ có cảm giác đau ở các ngón tay mà có thể cảm thấy đau lan ở cổ tay, lòng bàn tay, cẳng tay và thường xảy ra nặng nhất là vào ban đêm, thậm chí có thể khiến bạn khó ngủ hoặc mất ngủ.

Các triệu chứng cũng có thể xuất hiện khi người bệnh đang làm điều gì đó liên quan đến việc gấp - duỗi cổ tay hoặc nâng cánh tay, ví dụ như khi nắm vô-lăng, nắm điện thoại hay sách báo, đánh máy, chơi gôn, thư ký hành chính, chơi cử tạ, thợ mộc, giết mổ thịt…

Lâu dần, các ngón tay dần yếu đi và bị teo nhỏ, người bệnh sẽ mất cảm giác ở các ngón tay và dễ làm rơi đồ vật cũng như ảnh hưởng đến các hoạt động liên quan đến bàn tay.

4. Hội chứng ống cổ tay được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ có thể yêu cầu làm một số kiểm tra, xét nghiệm để chẩn đoán hội chứng ống cổ tay, thường là:

  • Khám lâm sàng để kiểm tra cảm giác tại các ngón tay và lực cơ tay. Gập cổ tay, gõ nhẹ lên dây thần kinh hoặc đơn giản là ấn lên dây thần kinh khởi phát triệu chứng để xem xét biểu hiện bàn tay.
  • Chụp X-quang
  • Đo dẫn truyền thần kinh và điện cơ đồ: Đo dẫn truyền thần kinh giúp đo vận tốc xung dọc dây thần kinh và kiểm tra phản ứng của cơ với tín hiệu dẫn truyền. Nếu dây thần kinh bị bó, bị tổn thương hoặc bị bệnh thì những tín hiệu này sẽ chậm hơn và phản ứng cơ yếu hơn. Một số trường hợp cần làm thêm điện cơ đồ để khẳng định chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân khác.

5. Phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay

Phần lớn các trường hợp hội chứng ống cổ tay có thể khỏi khi người bệnh thay đổi môi trường làm việc, thay đổi cách sống khoa học và hợp lý hơn. Chỉ những trường hợp bệnh nặng cần phải được điều trị nội khoa tích cực, nếu không cải thiện sẽ can thiệp phẫu thuật.

cho-xem-thuong-hoi-chung-ong-co-tay-1-voh

Điều trị hội chứng ống cổ tay tùy thuộc vào mức độ bệnh (Nguồn: Internet)

5.1 Đối với trường hợp bệnh nhẹ

Hạn chế sử dụng cổ tay quá nhiều trong các công việc nội trợ, sinh hoạt và làm việc, nhất là động tác duỗi cổ tay, ví dụ như:

  • Hạn chế đánh máy tính quá nhiều, khi đánh máy tính cần có vật dụng mềm lót cổ tay.
  • Hạn chế chạy xe máy quá xa, rồ ga quá mạnh hoặc sử dụng cổ tay quá nhiều khi chạy xe.
  • Giữ bàn tay, ngón tay ấm vì càng lạnh các ngón tay càng tê.
  • Người làm việc trong ngành xây dựng, công nghiệp…cần hạn chế hoạt động cổ tay.
  • Tránh các công việc phải lặp đi lặp lại quá nhiều ở cổ tay.
  • Đeo nẹp để giữ vị trí cổ tay trung tính.
  • Không kê tay khi nằm ngủ.

5.2 Trường hợp bệnh nặng

  • Vật lý trị liệu: Bác sĩ có thể sẽ siêu âm điều trị vùng cổ tay; Chiếu đèn huỳnh quang vào cổ tay; Hướng dẫn cách vận động cổ tay; Mang nẹp cổ tay về đêm...
  • Uống thuốc: Bệnh nhân có thể sẽ được uống các loại thuốc kháng viêm, giảm đau và giúp đỡ tê tay.
  • Chích thuốc: Bác sĩ sẽ chích thuốc vào ống cổ tay để điều trị bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này cần phải được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn.
  • Phẫu thuật: Những trường hợp bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể sẽ tiến hành cắt bỏ dây chằng ngang cổ tay để giúp thần kinh giữa hết bị chèn ép.

Lưu ý: Hội chứng ống cổ tay nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các hệ lụy, hậu quả sau đây:

  • Mất cảm giác các ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út
  • Đau nhức các ngón tay, bàn tay, đau nhiều về đêm gây mất ngủ
  • Yếu tay, cầm nắm đồ vật dễ bị rớt
  • Không làm được động tác đối chiếu ngón cái và các ngón khác.

6. 6 cách giúp phòng chống hội chứng ống cổ tay tại nhà

Để phòng ngừa hội chứng hẹp ống cổ tay, bạn có thể tự phòng ngừa hội chứng này tại nhà và ngay trong lúc làm việc bằng cách:

  1. Khi hoạt động, tránh tư thế cầm nắm thường xuyên, tránh động tác lặp đi lặp lại việc gập duỗi cổ tay.
  2. Mang dây nẹp trên cổ tay vào buổi tối và dùng miếng lót cổ tay silicon khi dùng bàn phím đánh máy có thể giúp làm giảm các triệu chứng đau cổ tay.
  3. Tập thể dục thư giãn cổ tay bằng cách: Nắm tay lại và sau đó thả ngón tay cho đến khi chúng trở lại thẳng; lặp lại hành động này từ 5 - 10 lần. Những bài tập nhanh này có thể giúp làm giảm bất cứ áp lực nào trên cổ tay bạn.
  4. Ngâm tay vào nước muối ấm trong khoảng 10 - 15 phút, sau đó massage vùng cổ tay và các ngón tay.
  5. Nếu có thể, bạn hãy tập môn thể thao lăn bi sắt hoặc bóp – thả bóng cao su mỗi ngày. Vì đây là những môn thể thao tốt cho bàn tay, cổ tay và đặc biệt là có thể giúp bạn giảm đau.
  6. Nên tiến hành điều trị các bệnh lý có thể gây hẹp ống cổ tay như: gãy xương vùng cổ tay, viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm gân... (nếu có).

Trên đây là những thông tin về hội chứng ống cổ tay, mọi người nên chú ý đến những triệu chứng của căn bệnh này, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường cần đi thăm khám và điều trị kịp thời, tránh kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Bình luận