Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nuốt kẹo cao su có bị tắc ruột như lời đồn?

(VOH) - Từ nhỏ, chúng ta thường nghe người lớn dạy ăn kẹo cao su không được nuốt, nếu không sẽ bị dính ruột. Vậy điều này có đúng không và điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta nuốt kẹo cao su?

Kẹo cao su được làm từ các thành phần như gôm, đường, chất tạo màu và tạo mùi. Thành phần gôm là hỗn hợp của chất đàn hồi, nhựa thông, chất béo, sữa nhũ hóa và sáp ong.

1. Nuốt kẹo cao su có sao không?

Từ nhỏ, các bé đã được người lớn “hù dọa” rằng nuốt kẹo cao su sẽ bị dính ruột, hoặc thậm chí hư cấu hơn là sẽ bị mọc ra cả một cây cao su trong bụng. Vậy trẻ em nuốt kẹo cao su có sao không?

Thực tế, trẻ em là đối tượng dễ nuốt phải bã cao su khi ăn vì các bé chưa ý thức được nuốt gì sẽ có lợi hay có hại. Tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp người lớn nuốt kẹo cao su, có thể do bị giật mình đột ngột hoặc sặc, ho lúc nhai kẹo cao su.

nuot-keo-cao-su-co-bi-tac-ruot-nhu-loi-don-voh

Trẻ em dễ nuốt phải bã kẹo cao su (Nguồn: Internet)

Kẹo cao su là một dạng kẹo được thiết kế mềm để nhai mà không nuốt. Từ giữa năm 1990, các nhà khoa học đã học được cách làm cao su tổng hợp thành chất thay thế cho hầu hết các cao su tự nhiên trong kẹo cao su. Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết, dạ dày chúng ta không thể tiêu hóa được loại kẹo này như các loại kẹo khác.

Nếu bạn hoặc cả em bé vô tình nuốt kẹo cao su thì đừng quá lo lắng, vì cơ thể sẽ hiếm khi phải chịu nhiều tổn thương. Ban đầu, hệ tiêu hóa sẽ xử lý kẹo cao su như một loại thực phẩm. Dịch tiêu hóa phá vỡ các thành phần của kẹo cao su như chất làm ngọt, chất làm mềm và hương liệu.

Đối với phần cao su tổng hợp thì dạ dày không thể tiêu hóa nhưng lại có một cách khác để đối phó, đó là loại bỏ bã kẹo thông qua bài tiết. Điều này có nghĩa là sau 2 – 3 ngày thì bã kẹo cao su mà bạn hoặc bé nuốt phải sẽ được thải ra ngoài khi đi đại tiện.

Nuốt kẹo cao su có bị tắc ruột như lời đồn? 2

Nên tránh nuốt bả kẹo cao su thường xuyên (Nguồn: Internet)

Như vậy, bã kẹo cao su không thể giữ được trong cơ thể trong một thời gian dài và do đó nó không thể làm hại cơ thể được. Tuy nhiên, bạn nên tránh nuốt kẹo cao su thường xuyên. Việc nuốt kẹo cao su liên tục cùng với việc tiêu thụ các thực phẩm không tiêu hóa được có thể gây tắc nghẽn trong đường tiêu hóa. Đây là lý do khiến trẻ em dưới 5 tuổi không nên nhai kẹo cao su vì thường không nhận ra sự khác biệt giữa nhai và nuốt.

2. Cách xử lý khi lỡ nuốt kẹo cao su

Nếu vô tình nuốt kẹo cao su, đặc biệt là đối với trẻ em thì cần làm những việc sau đây:

  • Uống thật nhiều nước.
  • Nên ăn cháo và rau cắt nhỏ, tránh để rau nguyên cọng.

Việc ăn cháo và uống nhiều nước sẽ giúp cho bạn hoặc bé hạn chế bị táo bón và tắc ruột.

nuot-keo-cao-su-co-bi-tac-ruot-nhu-loi-don-voh

Nên hạn chế ăn kẹo cao su (Nguồn: Internet)

Lưu ý: Nếu bạn hoặc bé thường xuyên bị táo bón (khoảng 2 – 3 ngày) mới đi đại tiện thì khả năng bị tắc ruột sau khi nuốt kẹo cao su sẽ khá cao. Do đó, trong trường hợp bị đau bụng, không đi cầu được, không xì hơi thì phải đến bệnh viện để kiểm tra ngay.

3 Lời khuyên

Kẹo cao su còn gọi với cái tên là “chewing gum” tức là chỉ dành để nhai, không phải để nuốt. Do đó, bạn hãy thận trọng và đừng ăn quá nhiều nhằm tránh tác hại từ loại kẹo này gây ra.

Đối với trẻ em, nên hạn chế cho trẻ nhai kẹo cao su vì nguy cơ cao trẻ sẽ nuốt bã kẹo vì cho đó là thức ăn. Trong trường hợp bé nhai kẹo cao su thì cần ở bên cạnh bé, dặn dò bé sau khi hết ngọt thì hãy phun bã kẹo cao su ra và đừng quên quan sát, theo dõi bé cho đến khi bé đã nhả bỏ bã kẹo cao su.

Bình luận