Mỗi 45 giây, trên thế giới có ít nhất 1 người bị đột quỵ và cứ mỗi 3 phút, thế giới có 1 người tử vong do đột quỵ.
Phần tư vấn của Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115.
Đọc giả có thể nghe hoặc đọc chi tiết
15% bệnh nhân đột quỵ là người trẻ
Bệnh nhân lớn tuổi thường mang nhiều nguy cơ đột quỵ như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý tim mạch hơn các độ tuổi khác. Tuy nhiên 10.000 trường hợp/năm, tăng dần theo thời gian, có thể gặp ở cả các bệnh nhân trẻ tuổi tăng dần (dưới 45 tuổi - 15%).
Người trẻ chịu hậu quả lớn hơn do tác động đến thu nhập, xã hội, công việc...
Đau đầu là dấu hiệu đặc trưng của đột quỵ chảy máu não nhưng thường bị mọi người bỏ qua, không chú ý. “Phần lớn những cơn đau đầu là lành tính và có thể điều trị bằng các loại thuốc giảm đau thông thường nhưng có khi đau đầu lại là dấu hiệu nghiêm trọng, nhất là khi xuất hiện triệu chứng đau đầu dữ dội, đột ngột, đau đầu kèm theo sốt, cứng gáy, đau đầu tiến triển tăng dần hoặc đau kéo dài trong một vài ngày... đó có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, do đó cần đi thăm khám sớm nếu như xuất hiện các triệu chứng trên”
"Thời gian vàng" và quan niệm sai lầm thường gặp
Dự báo cơn đột quỵ: Cơn thoáng thiếu máu não: 20% các trường hợp đột quỵ, xảy ra trước cơn đột quỵ vài ngày, bệnh nhân chợt cảm thấy yếu tay hoặc chân ở cùng 1 bên cơ thể, miệng méo, nói đớ. Khoảng vài tiếng sau bệnh nhên tự khỏi.
Khá nhiều bệnh nhân chỉ nghĩ đây là 1 cơn trúng gió nên không khám chuyên khoa. Đây là nhận thức sai lầm vì nó chính là dấu hiệu báo trước của 1 cơn đột quỵ nặng xảy ra sau đó (trong khoảng 2 tuần kế tiếp sau đó). Vì thế, cần được điều trị cấp cứu nhằm xét nghiệm, truy tìm nguyên nhân và can thiệp ngăn ngừa hữu hiệu.
Có một quan niệm được truyền miệng rộng rãi rằng khi dùng kim đâm vào đầu ngón tay trích máu sẽ điều trị được đột quỵ. Như đã đề cập, sau cơn đột quỵ đầu tiên, nhẹ mang tính dự báo, cơ thể thường có thể tự phục hồi.
Chính vì thế, dù có hay không có sự can thiệp bằng kim châm trích máu thì bệnh nhân vẫn tự khỏi. Cũng chính vì điều này gây nên nhận thức sai lầm rằng biện pháp chích kim có thể điều trị đột quỵ, tạo cho ta tâm lý chủ quan với bệnh, thiếu can thiệp, tầm soát cần thiết để đối phó với cơn đột quỵ nặng hơn sẽ diễn ra sau đó.
Khi gặp triệu chứng đột quỵ, can thiệp càng nhanh thì số tế bào thần kinh bị tổn thương càng thấp, càng giảm thiểu hậu quả của biến chứng và tăng khả năng phục hồi
Có viên thuốc uống 1 lần ngừa đột quỵ ?
Bệnh nhân bị đột quỵ là do mang nhiều bệnh lý nguy cơ. Vì thế cần nhiều loại thuốc như giảm cholesterol, kháng đông... đặc biệt là kiểm soát huyết áp, đường huyết trong ngưỡng an toàn. Các loại thuốc này phải dùng thường xuyên, thậm chí là trọn đời chứ không thể có loại thuốc chỉ cần uống 1 viên duy nhất như đồn đại.