Chuyên gia Trung Quốc Zhang Wenhong cho biết, điều quan trọng là phải giải quyết tình trạng ô nhiễm trực khuẩn than trong môi trường, bao gồm thực hiện các biện pháp khử trùng và giám sát hiệu quả.
Ông Zhang, cũng là Giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Huashan ở Thượng Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên xử lý an toàn động vật bị bệnh và tiêm vaccine phòng bệnh than cho động vật ở những khu vực bị ảnh hưởng để ngăn ngừa bệnh lây lan thêm.
Năm công nhân trang trại tiếp xúc trực tiếp với gia súc bị nhiễm bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh than qua da, biểu hiện các triệu chứng nhẹ.
Tất cả họ đều đã được cách ly và đang được điều trị, những người tiếp xúc gần còn lại được theo dõi chặt chẽ, không có thêm ca nhiễm nào được báo cáo, theo một tuyên bố được huyện Dương Cổ, tỉnh Sơn Đông công bố.
Con người có thể bị nhiễm bệnh than thông qua tiếp xúc với động vật hoặc sản phẩm từ động vật bị bệnh. Bệnh than có thể điều trị được như một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn và thuốc kháng sinh liều cao có hiệu quả trong việc điều trị bệnh - theo bài báo do Bệnh viện Huashan công bố.
Do tỷ lệ mắc bệnh ở người thấp trong những năm gần đây, các bác sĩ trẻ có thể thiếu kinh nghiệm trong việc chẩn đoán bệnh. Ông Zhang lưu ý rằng, điều quan trọng là phải đào tạo các chuyên gia y tế ở các vùng nông thôn và chăn nuôi về bệnh than, bao gồm cả quá trình lây truyền, các triệu chứng và các yếu tố nguy cơ.
Ông Zhang cho biết, những người nông dân, người chăn nuôi và bác sĩ thú y thường xuyên tiếp xúc với động vật nên tìm kiếm lời khuyên y tế nếu họ gặp bất kỳ triệu chứng liên quan nào.
Phó giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Huashan Wang Xinyu cho biết, bệnh than rất khó diệt trừ trong môi trường tự nhiên và việc phòng ngừa phụ thuộc vào vaccine và biện pháp dự phòng sau phơi nhiễm.