Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng Khoa Điều trị - Bệnh viện quốc tế chấn thương chỉnh hình Sài Gòn cho biết, người cao tuổi do sức khỏe yếu và thường hay bị kèm các bệnh nội khoa như tim mạch, huyết áp, tiểu đường nên khi thực hiện phẫu thuật và sau phẫu thuật thường dễ gặp biến chứng nguy hiểm.
Như trường hợp cụ bà 87 tuổi, vừa qua nhập viện trong tình trạng sưng đau vùng khớp háng, không đi lại được do bị ngã đập mông xuống đất. Mặc dù không bệnh nội khoa nhưng do tuổi già sức khỏe kém và thời gian phải chịu đau đớn kéo dài 14 ngày sau khi té nên bà bị suy kiệt kèm suy dinh dưỡng.
Sau 1 ngày phẫu thuật thay khớp háng Bipolar bên phải cho bà, cụ bà diễn biến nặng tụt huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, viêm phổi, rơi vào tình trạng cấp cứu khẩn cấp, phải lưu tại phòng săn sóc đặc biệt của Khoa Hồi sức để tiếp tục theo dõi.
Sau 10 ngày được chăm sóc tích cực sức khỏe bà tiến triển tốt, nhưng hiện phải tập vật lý trị liệu, dẫn lưu đàm, dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ, nuôi dưỡng qua sonde dạ dày.
Sau 10 ngày được chăm sóc tích cực, sức khỏe bà cụ đang tiến triển tốt
Qua trường hợp này các bác sĩ khuyến cáo khi thực hiện phẫu thuật cho người cao tuổi cần tốn nhiều công sức hơn so với người trưởng thành, ngoài đòi hỏi về tay nghề của bác sĩ phẫu thuật, cần đặc biệt thận trọng đến khâu gây mê - hồi sức, chăm sóc sau mổ.
Đây cũng là nguyên nhân mà không phải bác sĩ hoặc bệnh viện nào cũng có thể mạnh dạn quyết định chọn phẫu thuật cho người lớn tuổi.