Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ trong hệ thống sinh sản của nam giới. Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo và tạo ra một phần chất lỏng trong tinh dịch, đồng thời giúp đẩy tinh dịch qua dương vật khi có quan hệ. Đây là cơ quan quan trọng trong hệ thống sinh sản phái mạnh, tuy nhiên, các bệnh lý ở tuyến tiền liệt cũng có khá nhiều, điển hình nhất là phì đại tuyến tiền liệt.
1. Phì đại tuyến tiền liệt là gì?
Phì đại tuyến tiền liệt (có tên gọi khác là u xơ tuyến tiền liệt, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, phì đại tiền liệt tuyến lành tính, phì đại nhiếp tuyến) là tình trạng gia tăng kích thước của tuyến tiền liệt, chèn ép vào niệu đạo và bàng quang, gây ra những rối loạn tiểu tiện.
Phì đại tuyến tiền liệt không phải là bệnh ung thư tuyến tiền liệt, cũng không làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, nó có thể gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nam giới.
Theo số liệu thống kê trên thế giới, nam giới trên 40 tuổi là đối tượng dễ bị phì đại tuyến tiền liệt. Trong đó, độ tuổi từ 40 – 60 có tỷ lệ mắc bệnh khoảng 20% và trên 60 tuổi, tỷ lệ bị phì đại tiền liệt tuyến là 70 – 80%.
2. Nguyên nhân gây phì đại tiền liệt tuyến
Cho đến nay, nguyên nhân gây phì đại tiền liệt tuyến vẫn chưa rõ. Một số nghiên cứu cho rằng sự thay đổi hormone sinh dục nam đi kèm với quá trình lão hóa nam giới là một yếu tố gây phì đại tiền liệt tuyến.
Những nam giới có tiền sử gia đình có vấn đề về tuyến tiền liệt hoặc có bệnh ở tinh hoàn đều có thể làm tăng nguy cơ mắc phì đại tiền liệt tuyến.
Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào nêu rõ nguyên nhân phì đại tiền liệt tuyến là do đâu. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước (bệnh viện Bình Dân) cho biết, vấn đề ăn uống hay stress không liên quan đến bệnh phì đại tiền liệt tuyến lành tính như nhiều người vẫn nghĩ. Đặc biệt, những nam giới đã cắt bỏ tinh hoàn khi còn trẻ sẽ không phát triển bệnh phì đại tuyến tiền liệt.
Xem thêm: Các dấu hiệu giúp bạn nhận biết sớm ung thư tuyến tiền liệt
3. Triệu chứng phì đại tiền liệt tuyến
Các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt ban đầu thường rất nhẹ, nhưng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị. Bệnh phì đại tiền liệt tuyến sẽ biểu hiện qua 3 giai đoạn sau đây:
3.1. Giai đoạn 1: Tiểu khó
- Khi đi tiểu phải tập trung mới tiểu được
- Dòng nước tiểu yếu
- Thời gian đứng tiểu lâu
3.2. Giai đoạn 2: Nước tiểu tồn đọng ở bàng quang
- Ứ đọng nước tiểu ở bàng quang khiến bạn có cảm giác bàng quang không được làm rỗng hoàn toàn
- Bạn thường phải đi tiểu đêm nhiều lần
- Khoảng cách giữa 2 lần đi tiểu ngắn lại
- Tiểu không kiểm soát hoặc bị rò rỉ nước tiểu
3.3. Giai đoạn 3: Rặn tiểu
- Bí tiểu: Đột ngột không đi tiểu được dù đã rặn hết sức
- Tiểu đau
- Có máu trong nước tiểu
- Quan hệ tình dục khó khăn, tình trùng có màu vàng....
4. Chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt
Các biện pháp giúp chẩn đoán bệnh phì đại tiền liệt tuyến bao gồm:
- Khám sức khỏe
- Kiểm tra trực tràng (giúp bác sĩ ước tính kích thước và hình dạng của tuyến tiền liệt)
- Siêu âm
- Phân tích nước tiểu
- Sinh thiết tuyến tiền liệt
- Kiểm tra niệu động học
- Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA)
- Chụp ảnh tĩnh mạch hoặc chụp niệu đồ
Xem thêm: Nam giới: Phì đại tuyến tiền liệt chữa bằng cách nào?
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn, đặc biệt là các loại thuốc bạn đã hoặc đang dùng có thể ảnh hưởng đến hệ tiết niệu, chẳng hạn:
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc kháng histamin
- Thuốc an thần
5. Điều trị trị phì đại tiền liệt tuyến
Để điều trị bệnh phì đại tuyến tiền liệt bạn có thể thực hiện theo 3 phương pháp. Đầu tiên sẽ tự chăm sóc tại nhà, nếu các triệu chứng bệnh không thuyên giảm, bạn sẽ đến gặp bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
5.1 Điều trị tại nhà
Thay đổi lối sống và thực hiện tốt những điều sau đây có thể giúp làm giảm triệu chứng của bệnh phì đại tiền liệt tuyến:
- Đi tiểu ngay khi bạn cảm thấy mắc tiểu
- Tránh dùng thuốc thông mũi không kê đơn hoặc thuốc kháng histamine vì chúng có thể khiến bàng quang khó làm rỗng
- Không uống rượu, bia và cafein, đặc biệt là sau bữa tối
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng
- Tập thể dục thường xuyên, vì thiếu tập thể dục có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.
- Học và thực hành các bài tập Kegel để giúp tăng cường cơ vùng chậu
- Giữ ấm cơ thể.
5.2 Điều trị bằng thuốc
Khi thay đổi lối sống không làm đủ làm giảm các triệu chứng, bạn sẽ được bác sĩ đề nghị dùng thuốc. Một số loại thuốc có thể giúp điều trị các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt bao gồm:
- Thuốc chẹn alpha-1: Giúp làm giãn cơ bàng quang và tuyến tiền liệt để dòng nước tiểu chảy dễ dàng hơn.
- Thuốc giảm hormone: Có tác dụng làm giảm mức độ testosterone. Đôi khi, giảm nồng độ hormone sẽ giúp tuyến tiền liệt nhỏ lại và cải thiện lưu lượng nước tiểu. Tuy nhiên, các loại thuốc giảm hormone có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn như liệt dương hoặc giảm ham muốn.
- Thuốc kháng sinh: Được dùng cho những trường hợp bị tuyến tiền phì đại do viêm mãn tính, hậu quả của tình trạng viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn gây ra. Điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể giúp cải thiện các triệu chứng bệnh phì đại tiền liệt tuyến bằng cách giảm viêm.
5.3 Điều trị bằng phẫu thuật
Có nhiều thủ thuật, phẫu thuật khác nhau có thể giúp điều trị bệnh phì đại tiền liệt tuyến khi dùng thuốc không hiệu quả. Thủ thuật được sử dụng có thể là xâm lấn hoặc không xâm lấn.
Lưu ý: Các thủ thuật liên quan đến phì đại tuyến tiền liệt nên được tiến hành tại bệnh viện.
Xem thêm: ‘Top’ 5 thực phẩm giúp bạn nhanh thoát khỏi chứng phì đại tiền liệt tuyến
5. Phì đại tuyến tiền liệt có nguy hiểm không?
Phì đại tiền liệt tuyến nếu không được chữa trị đúng cách có thể dẫn đến một số biến chứng như:
- Nhiễm trùng tiểu
- Sỏi tiết niệu
- Tổn thương thận, suy thận
- Chảy máu trong đường tiết niệu
- Nhiễm trùng tiểu ngược dòng lên thận gây viêm đài bể thận
Vì vậy, phì đại tiền liệt tuyến cần được nhận biết sớm và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Tiền liệt tuyến có ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục không?
Theo chia sẻ từ bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước, phì đại tiền liệt tuyến giai đoạn 1 thường ít ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục. Tuy nhiên, ở những giai đoạn sau và có biến chứng thì bệnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chuyện chăn gối của nam giới.
Phòng ngừa phì đại tuyến tiền liệt
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra phương pháp cụ thể trong việc phòng ngừa phì đại tiền liệt tuyến, do đó, việc phòng ngừa căn bệnh này cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ban có thể áp dụng các cách sau đây để giúp làm giảm được nguy cơ phì đại tiền liệt tuyến:
- Sinh hoạt tình dục đều độ, vừa phải.
- Khi ngồi làm việc lâu 1 chỗ thì khoảng 1 – 2 tiếng bạn đứng lên đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng tại chỗ.
- Cố gắng giảm stress.
- Nên tập thể dục, vận động mỗi ngày
Khi có dấu hiệu tiểu khó, dòng nước tiểu yếu, tiểu đêm nhiều lần,…nên đến gặp bác sĩ để thăm khám
Nhìn chung, phì đại tuyến tiền liệt không phải là bệnh lý nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì thế, nếu đang gặp phải tình trạng này bạn hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm.
🔴 Theo dõi chương trình Bí mật nam giới để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề nam khoa vào lúc 22h00 - 23h00 thứ 3 hàng tuần trên kênh FM 95.6 MHz và FM 90 MHz Hà Nội.
Radio VOH: radio.voh.com.vn/bi-mat-nam-gioi-797.html
Youtube: youtube.com/c/BiMatNamGioiVOH
Fanpage Facebook: fb.com/BiMatNamGioi.VOH
Group thảo luận kín: fb.com/groups/BiMatNamGioi
Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/bmngvoh