Phòng chống Covid-19 - những sẻ chia từ người trong cuộc

(VOH) - Công cuộc phòng chống dịch COVID-19 của TPHCM đến nay đã có những thành quả rất căn cơ, kiểm soát tốt được dịch hạn chế mức thấp nhất sự lây lan, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Để đạt được những kết quả này, có thể nói đó là sức mạnh của cả một hệ thống trong đó lực lượng y tế đã ngày đêm tận lực, nỗ lực trên cả sức mình. Bức tranh về những đóng góp thầm lặng vừa qua của hệ thống y tế sẽ phần nào được khắc họa trong tọa đàm 3 kỳ: “Cuộc chiến Covid-19 - Tiếng lòng từ những blouse trắng” do VOH thực hiện.

Kỳ 1 của tọa đàm có tựa đề: “Phòng chống Covid-19 - Những sẻ chia từ người trong cuộc”, với sự tham gia của khách mời: Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Thành phố; Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo - Trưởng khoa hồi sức Cấp cứu chống độc người lớn- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố.

Ông Tăng Chí Thượng Phó GIám đốc sở Y Tế trao quyết định bổ nhiệm phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Trường (bên trái). Ảnh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới

*VOH: Trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 nói chung của nước ta, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ Ban chỉ đạo chống dịch quốc gia cho đến các tỉnh thành nhất là các địa phương có ca bệnh với một tinh thần làm việc nghiêm túc, hết mình vì trách nhiệm cộng đồng đã cho thấy được hiệu quả từ sự chung tay hiệp lực. Sự hiệp lực ấy đã tạo nên sức mạnh rất lớn để cho chúng ta thấy rằng, dù ở vai trò vị trí nào, nếu chúng ta hết lòng vì trách nhiệm, vì tinh thần với cộng đồng thì kết quả bao giờ cũng là tích cực. Nhìn ở góc độ từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố, khi từ lúc nhận ca đầu tiên nhiễm Covid-19, thì lúc đó sự chuẩn bị, tâm thế của bệnh viện như thế nào thưa bác sĩ Trường?

Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường: Nhìn lại thời gian dịch vừa qua, không đợi ca đầu tiên chúng tôi mới chuẩn bị mà việc chuẩn bị tiến hành trước đó. Bước đầu tiên là tái hoạt khu cách ly, xây dựng lại buồng khám sàng lọc hô hấp, phân luồng cách ly. Đặc biệt chúng tôi chuẩn bị tất cả quy trình chuyên môn để sẵn sàng sàng lọc, thu dung điều trị. Và ngay cả những cơ sở, trang thiết bị máy móc, thuốc men, sinh phẩm xét nghiệm để chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận ca bệnh khi dịch xảy ra. Bên cạnh đó, chúng tôi có những hoạt động về chuyên môn như cho tập huấn toàn bộ nhân viên kiến thức về dịch Covid, hay quy trình để chúng ta có những cái cơ bản trong tay để tiếp nhận điều trị ca bệnh.

Và khi có ca xảy ra đầu tiên ở Bệnh viện Chợ Rẫy vào những ngày cuối năm thì Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố chúng tôi cũng đã bắt đầu xây dựng những kịch bản ứng phó cho từng bối cảnh dịch diễn ra trong thời gian sắp tới. Khi chỉ mới có bệnh xâm nhập thì chúng tôi chỉ sử dụng một khoa cách ly 50 giường, và khi dịch bệnh có sự lây lan ra cộng đồng trong bối cảnh thứ hai thì chúng tôi tiếp tục mở rộng sang các khoa cách ly tiếp theo. Khi dịch bùng phát trong cộng đồng không kiểm soát nổi thì chúng tôi sẵn sàng di chuyển bệnh nhân đang nằm đến những bệnh viện phù hợp, dành toàn bộ bệnh viện để tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid.

*VOH: Ở góc nhìn từ một vị thuyền trưởng tại khoa hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, nhìn lại quá trình chống dịch Covid-19, kỷ niệm nào đáng nhớ với bác sĩ Hảo?

Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo: Đối với tôi trong vai trò trưởng khoa hồi sức thì ngay từ đầu khi chúng tôi biết đến Covid-19 này từ những ngày cuối tháng 2 đến tháng 3 Tổ chức Y tế thế giới – WHO tuyên bố đại dịch thì mình thấy vấn đề không đơn giản. Đối với Covid-19 mình xác định bệnh này nhóm nguy cơ cao, như người già lây thì rất nguy hiểm, và nhân viên y tế rất dễ bị lây, khi lây thì nguy cơ là bị nặng. Do vậy chúng tôi kêu gọi tinh thần tình nguyện trong khoa, nói chung tất cả các bác sĩ, điều dưỡng đều rất tích cực, hăng hái đặc biệt là các bạn trẻ. Khoa tôi đều tình nguyện đi hết nhưng tôi chọn lại 4 bác sĩ, 12 điều dưỡng để tăng cường trên Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Dù xác định đi là sau đó phải về cách ly nhưng các bạn rất tích cực. Tôi rất xúc động về tinh thần ấy. Nói chung rất sẵn sàng!

*VOH: Rõ ràng với công việc là một bác sĩ nhiễm càng khó khăn hơn trăm bề nhất là khi làn sóng Covid-19 vẫn còn tiếp diễn. Làm việc trong môi trường độc hại, lây nhiễm cao, cũng như áp lực công việc rất lớn, tuy vậy động lực nào đã giúp Bác sĩ Trường gắn bó lâu dài với công tác của một bác sĩ chuyên khoa nhiễm?

-Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường: Phải có tấm lòng yêu nghề rất lớn mới có thể trụ vững được. Thực tế cũng đã có nhiều người bỏ nghề ra đi chuyển sang ngành nghề khác, yêu nghề đam mê nghề đã giữ chân tôi lại. Thông qua chương trình tôi cũng muốn nhắn nhủ các em tân sinh viên bây giờ, dù cái nghề có nhiều mối nguy như vậy nhưng trong quá trình làm việc chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó những niềm vui, những hạnh phúc lớn khi chúng tôi cứu sống được người dân thoát khỏi các trận dịch lớn khủng hoảng như là dịch Covid-19 hiện giờ. Do vậy, tôi khuyên các em nếu chọn lựa nếu chọn lựa theo đam mê, theo nguyện vọng của mình thì các em hãy cống hiến trước đã. Khi mình cống hiến, có tâm với nghề thì mình sẽ có những bước đi vững chắc trong tương lai.

*VOH: Riêng với bác sĩ Nguyễn Văn Hảo, bác sĩ có những chia sẻ tâm tình như thế nào đặc biệt với khoa được xem là đầu sóng ngọn gió, một khoa rất là cam go?

Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo: Nói chung cũng trên 20 năm, hai mươi năm tôi làm hồi sức tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố. Tôi nhớ từ xa xưa tới giờ, tôi đã tiếp xúc bao nhiêu bệnh, từ những ngày mà nghe nói HIV ai cũng sợ lây nhiễm, rồi viêm gan siêu vi, rồi uốn ván…Đa số tôi thấy bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm đều là người nghèo. Trong quá trình cứu chữa người bệnh mình đã đạt được những thành tựu nhất định như có những bệnh rất hiểm nghèo như uốn ván ngày xưa tỷ lệ tử vong lên đến 50% bây giờ chúng tôi giảm xuống còn dưới 5%, sốt xuất huyết chúng tôi cứu sống rất nhiều ca ngoạn mục, nhất là sốt xuất huyết người lớn. Gần đây trong những bệnh dịch như Covid-19, cúm gia cầm H5N1. Trong quá trình lăn lộn với nghề không phải lúc nào cũng vui đâu, có những lúc cũng khổ lắm. Như tôi nhớ có những mùa cúm, rồi viêm đường hô hấp SARS, chúng tôi không được về nhà luôn. Tôi nhớ lại, khi dịch bệnh, người ta tới mà các bạn tuyến trước nhiều khi sợ dịch bệnh không dám tiếp xúc, ở khía cạnh này trong tình cảnh bệnh nặng khi đến mà nếu vì người ta bị dịch bệnh mình không đến tiếp cận thì sao mà trị hiệu quả cho bệnh nhân được. Do vậy người bác sĩ phải đến tiếp cận đặt nội khí quản, thở máy cho bệnh nhân thì nguy cơ lây nhiễm mình rất cao, rồi mình về lây cho người thân mình nữa. Do vậy người bác sĩ truyền nhiễm phải trang bị cho mình những biện pháp phòng hộ cá nhân để tránh lây lan cho nhân viên, cho người thân và cho cộng đồng nữa

Tôi nghĩ đúng là nghề này có lúc vui, lúc buồn, nhưng quả thật cuối cùng đi theo con đường này mà gần đây nhất rõ ràng mình thấy qua những trận dịch cụ thể như Covid-19 thì cộng đồng thấy được vai trò, sự cống hiến của mình đương nhiên không riêng ngành y tế mà đó là sức mạnh toàn dân!

*VOH: cảm ơn hai vị khách mời.