Chờ...

Phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả: Giải pháp từ ý thức người dân

(VOH) - Tại Việt Nam, dịch bệnh Covid – 19 có những diễn biến phức tạp trở lại khi số người nhiễm mới tiếp tục được phát hiện. 

Tuy nhiên, việc cách ly kịp thời đã cho thấy sự chuẩn bị khá chu đáo của Việt Nam trong ứng phó với dịch bệnh, và người dân hoàn toàn có thể yên tâm với những chính sách của Nhà nước, chung tay cùng Nhà nước thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Covid-19

Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho hành khách trước khi nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) - Ảnh: TTO

Là người thường xuyên tiếp xúc với những người đi xa trở về, anh Đỗ Cao Khải, nhà ở phường Phú Thọ Hòa, Quận Tân Phú, làm nghề lái xe Grab công nghệ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất TPHCM chia sẻ, hơn 15 năm làm nghề lái xe cũng từng biết đến nhiều dịch bệnh, nhưng mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 diễn biến thật phức tạp, khó lường. Mặc dù trong suốt hai lần diễn ra dịch bệnh, công tác phòng chống dịch của các cấp chính quyền địa phương cũng như người dân trong phòng tránh được nâng cao rất nhiều, nhất là trong lần bùng phát thứ hai. Tuy vậy, vẫn không thể chủ quan bởi nhiều quốc gia trên thế giới, dịch vẫn có nguy cơ tăng cao. Anh Khải nói: "Đa phần người dân thành phố rất đồng tình vói chủ trương phòng chống dịch. Với sự phối hợp nhịp nhàng của người dân cùng chính quyền và các ngành có liên quan nên công tác phòng chống và dập dịch nhiều thuận lợi".

Có thể thấy rõ hơn sự thay đổi trong ý thức phòng bệnh của người dân thành phố hiện nay là hầu hết mọi người đã chủ động đeo khẩu trang khi đến những nơi tập trung đông người như siêu thị, chợ, bệnh viện, trường học….

Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền, Giảng viên khoa Sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM cho biết: “Mặc dù đeo khẩu trang khó chịu, nhưng đây là cách để phòng, chống dịch lây lan nên mình cũng động viên mọi người nên nghiêm túc chấp hành, nhất là nơi đông người. Trường học lại là nơi dễ phát sinh dịch bệnh nhất nên học sinh, sinh viên lại phải đặc biệt chú ý. Mặc dù dịch bệnh Covid có chững lại nhưng trên thế giới vẫn còn rất phúc tạp vì, vậy mỗi người không nên chủ quan lơ là với dịch bệnh. Nhất là đối với các bạn sinh viên, học sinh phải tuân thủ các nguyên tắc nôi tập trung đông người, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn…".

Không chỉ tại các chợ, siêu thị trường học mà ngay trong cộng đồng dân cư ở các tổ dân phố, phường, xã, những thông tin về dịch Covid-19 đều được chính quyền phường, xã theo dõi và chuyển tải kịp thời tới người dân, từ đó, giúp người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế. Tuy nhiên, chị Trần Thu Hồng vẫn lo lắng trong trường học nếu trẻ nhỏ không cẩn thận sẽ dễ lây lan dịch bệnh. Chị Hồng khuyên: "Là phụ huynh tôi có lời khuyên cháu nên cẩn thận vì dịch Covid-19 có thể tái trở lại nên các cháu thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn…để bảo vệ mình và mọi người xung quanh".

Hiểu được những lo lắng của phụ huynh có con em đến trường trong mua dịch, vừa qua, Đoàn Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã trao tặng nhiều bồn nước sạch rửa tay “Sawaco – Đồng hành cùng sức khỏe cộng đồng” đến các trường Tiểu học trên địa bàn TPHCM.

Covid-19

Học sinh trường Tiểu học Bình Trị Đông A, quận Bình Tân rửa tay bằng nước sạch. Ảnh: Thanhuytphcm

Bồn có các van mở nước được thiết kế bằng chân đạp nhằm ngăn ngừa, phòng chống, hạn chế lây nhiễm chéo các dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh nhiễm khuẩn qua đường hô hấp và tiêu hóa, đặc biệt là dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay. Anh Vũ nói: "Theo khuyến cáo của Bộ Y tế phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch. Nước sạch đã được xử lý, đảm bảo chất lượng vệ sinh, trên cơ sở đó chúng em tặng cho nhà trường cũng như tuyên truyền, định hướng thêm để người dân chăm sóc sức khỏe cho mình. Thứ 2 đa phần các trường lắp bồn nước có van mở bằng tay, rửa xong dễ dẫn đến trường hợp lây nhiễm chéo. Với bồn bằng chân đạp này các em dùng chân đạp thì nước sẽ chảy ra mà không cần dùng tay".

Một lực lượng không thể thiếu trong suốt hành trình đồng hành cùng người dân phòng chống dịch hiệu quả mà chúng ta không thể không nhắc tới là đội ngũ y bác sĩ – những người “thầm lặng” chữa lành những vết thương về tâm hồn lẫn thân xác cho bệnh nhân mắc Covid.

Tạm gác lại những sở thích, công việc riêng, tạm xa mái nhà, người thân, họ sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ tại những vùng dịch khi tổ quốc cần.

Xung phong, xung kích đến với khu cách ly Trường quân sự Thành phố để hỗ trợ công tác cho người cách ly, y sĩ Phạm Thị Xuyên cho rằng: công tác phòng chống dịch hiện nay quan trọng nhất vẫn là tinh thần, thái độ tiếp nhận thông tin; hiểu đúng về dịch bệnh vì khi người dân hiểu đúng về dịch bệnh, hiểu rõ vấn đề thì sẽ không sợ, kiên quyết chống lại. Chị Xuyên tự hào chia sẻ: "Trong công cuộc lần này tôi cảm thấy rất tự hào khi mình là người Việt Nam. Tôi có một số bạn ở nước ngoài cũng thường hỏi thăm và tôi tự hào trả lời tôi tự hào khi ở Việt Nam, không phải lo gì cả, mọi thứ đã có Chính quyền lo. Những điều rất cơ bản nhưng có thể bảo vệ bản thân trước diễn biến bệnh phức tạp, đôi khi mình chỉ cần ở yên trong nhà, rửa tay thường xuyên – những chuyện rất đơn giản như vậy thôi mình cũng có thể bảo vệ được bản thân và cả cộng đồng. Đồng thời, cần trung thực khai báo mình đã đi đâu, làm gì, như vậy tình hình sẽ không phức tạp nữa".

Có thể nói, để đối phó với dịch bệnh, hàng loạt biện pháp được triển khai, nhiều chỉ đạo, quyết định mạnh mẽ được đưa ra để ngăn ngừa sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Trong đó, việc tổ chức sàng lọc, cách ly những người đến từ vùng dịch hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, những khuyến cáo, tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng liên tục được phát đi với hy vọng thấm sâu và lan tỏa đến từng khu phố, từng nhà, từng người dân.

Rõ ràng, cùng với trách nhiệm và ý thức của mỗi cá nhân, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm bảo vệ sức khỏe nhân dân được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, trong khi cả hệ thống chính trị và người dân tích cực chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, có một thực tế đáng phải suy ngẫm và lên án. Ðó là còn một bộ phận người dân vẫn thiếu ý thức, bất hợp tác, không chấp hành nghiêm những khuyến cáo của ngành y tế; cố tình vi phạm như khai gian trong hồ sơ khai báo y tế, trốn cách ly, hoặc nhờ người khác đi cách ly thay mình….

Nhiều trường hợp lợi dụng diễn biến của dịch bệnh, thường xuyên đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt, lan truyền những biện pháp phòng ngừa không đúng, gây hoang mang dư luận, gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý dịch bệnh. Luật sư Trần Văn Sỹ - Giảng viên Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) chia sẻ những quy định xử phạt của pháp luật Việt Nam liên quan đến nội dung này: "Việc cố tình khai báo y tế sai lệch, không chính xác để né tránh việc cách ly tập trung là hành vi rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình mình và cộng đồng xã hội. Tùy theo tính chất mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Tại điều 10 của Nghị định 176 năm 2013 của Chính phủ quy định: người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền từ từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Nhà nước có thể phạt tiền đối với một trong các hành vi sau đây: Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Bên cạnh đó, hành vi trốn khỏi nơi cách ly, mang mầm bệnh lây nhiễm cho người khác vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ Luật hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác và có thể bị truy tố tùy theo mức độ gây thiệt hại mà đối tượng phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng".

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch, mỗi người cần nâng cao ý thức trách nhiệm, trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch Covid-19 theo các khuyến cáo của ngành Y tế; có chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể; hạn chế tụ tập nơi đông người; không nghe theo cũng như phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng, tác động tiêu cực tới xã hội….

Quan trọng là người dân tự giác thực hiện khai báo y tế toàn dân theo đúng quy định, đồng thời trung thực trong quá trình khai báo để bảo vệ bản thân và gia đình, cũng như giúp cho các cơ quan chức năng làm việc hiệu quả. Nếu phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh cần kịp thời báo cho ngành y tế cơ sở, tiến hành khoanh vùng khu vực nghi có dịch, tuyệt đối không hoang mang, hoảng loạn, gây mất an ninh trật tự.