Phòng dịch nCoV trong trường học: Học sinh cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng

(VOH) - Chiều ngày 6/2, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra.

Tại hội nghị các chuyên gia cho rằng trường học là nơi có sự tiếp xúc gần nên nguy cơ lây lan dịch bệnh luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu. Những ngày qua, tại TPHCM 100% các cơ sở trường học đã được phun xịt khử khuẩn. Ngành giáo dục triển khai, phổ biến khá đầy đủ, thống nhất về công tác phòng, chống dịch nCoV.

Tuy nhiên, chuẩn bị cho việc trở lại trường của học sinh, ông Đinh Hữu Đắc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn vẫn còn một số lo ngại: "Vấn đề quan tâm nhất ở trường tiểu học là khẩu trang sẽ như thế nào? Hiện với trường chúng tôi có trên 2.000 học sinh. Với học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, 1 ngày các em đến trường với 1 cái khẩu trang thì ra chơi sẽ như thế nào, giờ ăn như thế nào, ăn xong thì để khẩu trang ở đâu. Trong khi tình hình khẩu trang khan hiếm như hiện nay thì rất khó khăn cho các đơn vị".

Phòng dịch nCoV trong trường học: Cần rửa tay thường xuyên

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại hội nghị.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tật TP, virus Corona không tồn tại trong không khí, mà bám trên các bề mặt. Chủng virus này lại hạn chế bởi nhiều yếu tố như nhiệt độ cao, ánh sáng, tia cực tím, sự thông thoáng... Cùng với các biện pháp quản lý học sinh từ vùng dịch, học sinh có biểu hiện viêm hô hấp, việc mang khẩu trang phải được thực hiện đúng cách. 

"Nếu mang khẩu trang không đúng cách, nguy cơ lây bệnh còn lớn hơn. Khi khuôn mặt để không, chúng ta không bị bệnh, vi khuẩn, virus tiết ra không có gì để bám. Trong khi nếu mang khẩu trang sẽ có vật chắn. Khi mầm bệnh bám trên bề mặt mà chúng ta còn kéo khẩu trang chệch xuống mũi lại càng dễ dính hơn. Do đó, chỉ bắt buộc mang khẩu trang với những người có triệu chứng bệnh hô hấp", bác sĩ Nga nói. 

Thống kê cứ khoảng 10 phút/lần tay mỗi người lại chạm lên mắt mũi. Vì vậy, việc rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng là giải pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả, quan trọng hàng đầu. Ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng trong tất cả các biện pháp triển khai tại trường học, không biện pháp nào an toàn duy nhất mà cần phối hợp các biện pháp. Trong đó, việc đơn giản dễ thực hiện nhất là rửa tay bằng xà phòng. Hiện việc trang bị bồn rửa tay ở các trường cơ bản là có, nhưng cần rà soát và bổ sung ngay theo tiêu chuẩn: mầm non 10 trẻ/bồn, tiểu học 20 đến 30 học sinh/bồn, trung học cơ sở, trung học phổ thông là 30 học sinh/bồn.

Ông Hưng cho rằng xét ở góc độ nào đó, đây cũng là cơ hội để chúng ta rà soát lại những việc đã triển khai, khi có những dịch bệnh truyền nhiễm phải phòng, chống trong trường học. Trong những ngày sắp tới, tại Việt Nam, dự báo tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp chứ chưa lên đến đỉnh dịch. Đây là khoản thời gian hết sức quan trọng và hết sức quý giá để chuẩn bị mọi thứ, để khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, kể cả những đợt dịch khác, người dân đặc biệt các cháu học sinh có đầy đủ những kỹ năng để đối phó với dịch bệnh.

Phòng dịch nCoV trong trường học: Cần rửa tay thường xuyên

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đơn vị cũng nêu ý kiến về nguồn kinh phí cho công tác phòng chống dịch, kế hoạch chương trình học... bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu kỹ, chuẩn bị đúng cho công tác đón học sinh trở lại trường sau ngày 16/2.