Phòng ngừa bệnh thủy đậu khi vào mùa

VOH - Thời điểm cận Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu, zona, khô da, chàm, mề đay...

Thời điểm cận Tết Nguyên đán các bác sĩ lưu ý bệnh thủy đậu có khả năng lây nhiễm cao. Hiện tại thủy đậu bắt đầu vào mùa, đặc biệt xảy ra ở người chưa tiêm ngừa vaccine thủy đậu.

Bắt đầu những tháng cuối năm, thời tiết nóng ẩm thất thường là cơ hội cho bệnh thủy phát triển. Đây là bệnh đã có vaccine phòng ngừa, tuy nhiên nhiều trường hợp chưa tiêm vaccine nên rất dễ lây nhiễm vào thời điểm có bệnh dịch lưu hành.

Thủy đậu là bệnh rất dễ nhận biết qua những triệu chứng: nổi những mụn nước trong hoặc đốm hơi đỏ rải rác ở thân mình, sau đó lan ra tứ chi, mặt, da đầu, ngứa nhẹ… Trước đó 1 - 2 ngày, người bệnh có thể có cảm giác uể oải, mệt, đau cơ, sốt nhẹ…

Do tính chủ quan của một số người dân dẫn đến tình trạng bệnh diễn biến xấu hơn và có những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Phòng ngừa bệnh thủy đậu khi vào mùa 1
Bác sỹ đang thăm khám bệnh nhân bị bệnh thủy đậu - Ảnh: TL
Phòng ngừa bệnh thủy đậu khi vào mùa 2
Bệnh thủy đậu với các triệu chứng nổi mụn nước khắp người, ngứa, sốt nhẹ và rất dễ lây nhiễm - Ảnh: TL

Thủy đậu là bệnh dễ lây lan, nhất là đối với những trường hợp thường xuyên tiếp xúc gần. Một số người lớn chưa được tiêm ngừa thủy đậu, sau khi mắc bệnh đã lây cho trẻ.

Trẻ nhập viện có diễn tiến nặng với các trường hợp mắc bệnh lý nền như ung thư, thận mãn tính, bệnh lý về huyết học,… Điều này khiến trẻ phải nằm viện điều trị kéo dài, chi phí tốn kém.

Dù bệnh dễ lây nhưng có thể phòng ngừa hiệu quả khi tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu. Đặc biệt với phụ nữ có thai, nên đi tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu vì virus thủy đậu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.

Bình luận