Phụ nữ sau khi cắt bỏ tử cung sẽ phải đối mặt với những điều gì?

(VOH) – Cắt bỏ tử cung là phẫu thuật được thực hiện để cắt bỏ tử cung (có thể toàn phần hoặc bán phần). Vậy phụ nữ sau khi cắt bỏ tử cung sẽ gặp phải ảnh hưởng gì về sức khỏe và chuyện phòng the?

1. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung là gì?

Tử cung là một cơ quan của hệ thống sinh sản nữ. Nó có hình dạng giống như một quả lê ngược và có thành dày. Tử cung nằm ở giữa xương chậu, phía sau bàng quang và phía trước trực tràng. Vị trí thực tế của tử cung trong khung chậu thay đổi tùy theo từng người. Chức năng chính của tử cung là “nhà” đồng thời là nơi nuôi dưỡng thai nhi cho đến khi bé sẵn sàng ra đời.

Cắt bỏ tử cung là phẫu thuật được sử dụng để cắt bỏ phần tử cung. Nó cũng có thể liên quan đến việc cắt bỏ cổ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng và các cấu trúc xung quanh khác.

Cắt bỏ tử cung là một thủ thuật phẫu thuật lớn, có các rủi ro và lợi ích, ảnh hưởng lớn đến sự cân bằng nội tiết tố của người phụ nữ và sức khỏe tổng thể. Vì thế, việc cắt bỏ tử cung thường được khuyến cáo chỉ thực hiện khi các lựa chọn điều trị khác không có hiệu quả hoặc đã thất bại.

phu-nu-sau-khi-cat-bo-tu-cung-se-phai-doi-mat-voi-nhung-dieu-gi-voh

Cắt bỏ tử cung chỉ thực hiện khi các lựa chọn điều trị khác không có hiệu quả (Nguồn: Internet)

Một số bệnh lý thường được có sự lựa chọn phương pháp cắt bỏ tử cung bao gồm:

  • Nhiễm mỡ nội mạc tử cung nặng và khó chữa, u xơ tử cung....
  • Đau vùng chậu mãn tính.
  • Thực hiện sau hậu sản để loại bỏ một số trường hợp biến chứng của nhau thai, xuất huyết quá nhiều...
  • Một số dạng âm đạo và các cơ quan vùng chậu bị sa.

2. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung chia làm mấy loại?

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung được chia làm 2 loại, đó là: Cắt bỏ tử cung toàn phần và cắt bỏ tử cung bán phần.

2.1 Cắt bỏ tử cung toàn phần

Là phẫu thuật được thực hiện để loại bỏ cả tử cung và cổ tử cung, có thể cắt bỏ cả 2 buồng trứng hoặc không. Phương pháp này được chỉ định cần thiết để điều trị các bệnh như: lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, sa tử cung, nhiễm trùng vùng tử cung, vỡ tử cung trong khi sinh hoặc do chấn thương quá nặng, ung thư tử cung...

Hậu quả của cắt tử cung bao gồm mỏi mệt, trầm cảm, nhức đầu, khô âm đạo và các vấn đề về đường tiết niệu. Những phụ nữ bị cắt tử cung có nguy cơ cao bị bệnh tim, viêm khớp và loãng xương.

phu-nu-sau-khi-cat-bo-tu-cung-se-phai-doi-mat-voi-nhung-dieu-gi-1-voh

Cắt bỏ tử cung toàn phần  phụ nữ sẽ không còn khả năng mang thai, không còn kinh nguyệt hàng tháng (Nguồn: Internet)

Trong trường hợp phụ nữ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung toàn phần và 2 phần phụ, khi buồng trứng đã bị loại bỏ, phụ nữ sẽ không còn khả năng mang thai, không còn kinh nguyệt hàng tháng và bước vào thời kỳ “mãn kinh do phẫu thuật” kể cả phụ nữ chưa đến độ tuổi mãn kinh.

Tuy nhiên, theo khách quan một số phụ nữ sau khi cắt bỏ tử cung toàn phần có thể sẽ cảm thấy không còn đạt được khoái cảm như trước đây. Nguyên nhân là do tử cung và các cơ của thành âm đạo co thắt khi có khoái cực và sự phân bố thần kinh chi phối đáp ứng tình dục và khoái cực có thể đã bị cắt hay phá hủy.

Ngoài ra, vai trò của cổ tử cung trong cơ chế phát sinh khoái cực cũng rất quan trọng, đây là bộ phận rất nhạy cảm khi đụng chạm và dễ kích thích các đầu mút thần kinh để tạo ra khoái cực.

2.2 Cắt bỏ tử cung bán phần (cắt bỏ tử cung một phần)

Đây là phương pháp phẫu thuật nhằm loại bỏ tử cung nhưng vẫn giữ lại cổ tử cung còn nguyên vẹn. Cắt bỏ tử cung bán phần cũng được chỉ định thực hiện trong điều trị các bệnh lý về u xơ tử cung, ung thư tử cung, lạc nội mạc tử cung, xuất huyết tử cung bất thường...

Các phương pháp cắt bỏ tử cung bán phần được áp dụng hiện nay là:

  • Phẫu thuật mở bụng cắt tử cung bán phần: Có nghĩa là cắt bỏ thân tử cung để lại cổ tử cung qua đường bụng.
  • Phẫu thuật nội soi cắt tử cung bán phần: Sử dụng các dụng cụ được đưa vào ổ bụng qua các lỗ chọc ở thành bụng để thực hiện cắt bỏ tử cung, để lại phần cổ tử cung.

3. Cắt bỏ tử cung có quan hệ được không?

Các bác sĩ cho biết, sau khi cắt bỏ tử cung hoàn toàn, phụ nữ vẫn “quan hệ vợ chồng” bình thường. Nhiều người thường nghĩ rằng, tử cung là bộ phận thiết tạo nên cảm xúc và điều kiện giúp ích cho “quan hệ vợ chồng”.

Trên thực tế, tử cung có vai trò chủ yếu là nuôi dưỡng và bảo vệ bào thai. Bộ phận điều khiển nội tiết tố của cơ thể tiết ra hormone nữ, quyết định sự ham muốn chính là buồng trứng. Đó là cơ quan nội tiết quan trọng để duy trì “tính dục” của nữ giới và chức năng năng điều hòa hệ thống nội tiết của toàn cơ thể.

Vì thế, trong trường hợp phẫu thuật cắt bỏ tử cung toàn phần nếu không gây ảnh hưởng đến buồng trứng (có nghĩa là chỉ loại bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng được buộc lại bảo toàn) khi đó, nội tiết tố vẫn hoạt động bình thường và sẽ không ảnh hưởng đến đời sống chăn gối vợ chồng.

Hiện nay cũng chưa có một nghiên cứu y khoa nào chứng minh việc cắt tử cung có thể ảnh hưởng đến khả năng tình dục. Tử cung không tác động đến việc quan hệ vợ chồng. Người cắt tử cung toàn phần sau khi được chăm sóc và phục hồi vẫn có thể quan hệ bình thường.

4. Cắt bỏ tử cung bán phần có mang thai được không?

Đây có lẽ là băn khoăn của rất nhiều chị em phụ nữ trước khi tiến hành mổ cắt bỏ tử cung bán phần. Thân tử cung là nơi cư trú và phát triển của thai nhi, vì vậy khi đã cắt bỏ tử cung thì dù là toàn phần hay bán phần, chị em phụ nữ cũng không thể mang thai được nữa.

Chính vì thế, tùy thuộc vào bệnh tình và tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ chỉ định việc có nên cắt bỏ tử cung hay không. Trong trường hợp đã có đủ số con và cần cắt bỏ tử cung hoàn toàn thì điều này không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, với những chị em chưa có con hay muốn sinh thêm, bác sĩ sẽ xem xét để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất. Nhưng đối với một số trường hợp bắt buộc cần cắt bỏ tử cung để bảo vệ sức khỏe.