Quá trình trứng sán trở thành sán dây, bạn đã biết chưa?

(VOH) - Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn thường lành tính. Tuy nhiên, người nhiễm sán có thể gặp nguy hiểm nếu sán dây, ấu trùng sán lợn tấn công vào não và mắt.

Tiến trình trứng sán trở thành sán dây

Bệnh sán dây, ấu trùng sán dây (sán lợn) chia làm hai dạng là ấu trùng sán và sán trưởng thành.

Với bệnh ấu trùng sán lợn, người ăn phải trứng sán lợn nhiễm trong thức ăn, khi nuốt vào dạ dày trứng sán nở ra ấu trùng và di chuyển đến ruột non. Ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và theo máu đến các cơ, mắt hay não rồi hóa nang, ký sinh ở đó.

qua-trinh-trung-san-tro-thanh-san-day-ban-da-biet-chua-voh-1

Sán dây có thể dài đến 12m, gồm hàng nghìn đốt, mỗi đốt chứa khoảng 50.000 trứng, sống ký sinh trong cơ thể người (Nguồn: Internet)

Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán, người bệnh có những triệu chứng khác nhau.

  • Nếu nang sán nằm trong cơ, người bệnh xuất hiện những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 – 2cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động, không ngứa, không đau. U nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết.
  • Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội.
  • Nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Nếu bạn ăn phải thịt lợn có chứa các nang sán (lợn gạo) thì khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.

Sán dây trưởng thành nguy hiểm như thế nào?

Trường hợp người bệnh có sán trưởng thành ký sinh trong ruột, khi đốt sán già sẽ rụng và thoát ra ngoài. Đường thoát chủ yếu qua phân, nhiễm vào môi trường hoặc thức ăn, nước uống.

Đốt sán có thể bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, tương tự ăn phải đốt sán mới. Khi đó, số lượng ấu trùng sán trong cơ thể sẽ rất nhiều.

Sán dây trưởng thành ký sinh trong cơ thể người sẽ phát triển dần bằng cách nảy chồi, sinh đốt mới từ cổ tạo ra hàng nghìn đốt sán mới. Chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét. Mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng.

Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài. Đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, màu trắng ngà như xơ mít, đầu phẳng. Bạn cũng có thể quan sát phân của mình để xem có đốt sán dây hay không. Tuy nhiên, cách kiểm tra tốt nhất vẫn là đến gặp bác sĩ để thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Hiện có 2 loại xét nghiệm để xác định nhiễm sán lợn là tìm kháng thể và kháng nguyên. Tuy nhiên, cả hai loại xét nghiệm này không xác định được thời điểm nhiễm sán.

Lời khuyên

qua-trinh-trung-san-tro-thanh-san-day-ban-da-biet-chua-voh-2

Không nên ăn thịt heo không có nguồn gốc rõ ràng và có chứa sán lợn (Nguồn: Internet)

Phác đồ điều trị sán lợn hiện nay chỉ áp dụng từ bệnh viện tuyến huyện trở lên. Việc điều trị chủ yếu bằng thuốc do bác sĩ chỉ định khi đã thăm khám. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng, cũng không nên điều trị bằng Đông, thuốc nam hoặc các bài thuốc dân gian vì dễ gây biến chứng nguy hiểm.

Ngoài tra, Cục Y tế Dự phòng cũng khuyến cáo để chủ động phòng bệnh sán dây cũng như ấu trùng sán lợn, người dân hạn chế ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), không ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn), không uống nước sông, suối khi chưa qua xử lý.

Tài liệu tham khảo:

Trang vnexpress.net

Ấu trùng sán lợn sẽ bị tiêu diệt khi đun sôi 100 độ C trong vòng 2 phút:  Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi 100 độ C trong vòng 2 phút.
Sán lợn và dịch tả lợn châu Phi – dịch nào nguy hiểm hơn?: Gần đây, nhiều người đang lo ngại về độ an toàn của thịt lợn đối với sức khỏe, bởi hiện nay dịch tả lợn và dịch sán lợn đang hoành hành trên diện rộng.