Nguyên nhân gây quầng thâm dưới mắt
Bị thâm quầng mắt sẽ khiến bạn trông già hơn so với tuổi thật của mình, thần sắc luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải, cảm giác thiếu ngủ và kém linh hoạt. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đôi khi nó do một số bệnh lý gây ra.
Dưới đây là nguyên nhân khiến bạn có quầng thâm dưới mắt:
Vùng da dưới mắt rất mỏng nên khi bị tác động dễ bị thâm quầng (Nguồn: Internet)
-
Do thiếu ngủ
Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến cho mắt bị thâm quầng. Bởi khi ngủ không đủ giấc, thức khuya thường xuyên làm máu lưu thông kém, thiếu oxy, da không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, từ đó hình thành vùng da thâm quầng ở dưới mắt.
-
Do di truyền
Theo kết quả của các cuộc nghiên cứu cho thấy, có rất nhiều người có làn da dưới mắt mỏng hay có nhiều các mạch máu nhỏ, sự phân bổ melanin quá nhiều là do di truyền của cha mẹ.
-
Do cơ thể thiếu nước
Khi cơ thể thiếu nước, các mạch máu dưới vùng da nhạy cảm ở mắt sẽ bị sưng lên, gây ra bọng mắt và thâm.
-
Do ánh nắng mặt trời
Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời mà không dùng kem chống nắng có thể khiến vùng dưới mắt đen sạm. Bởi da quanh mắt rất mỏng và nhạy cảm nên có thể nhanh chóng bị ảnh hưởng.
-
Do chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng
Chế độ ăn uống thiếu chất, ít uống nước, cơ thể sẽ phản ứng và một trong đó là biểu hiện thâm ở vùng da mắt.
-
Do thuốc lá và chất kích thích
Lạm dụng nhiều thuốc lá, rượu bia, cà phê khiến các mạch máu bị co lại, làm máu kém lưu thông, gây ra nếp nhăn và thâm quầng ở dưới mắt.
-
Do dị ứng
Dị ứng được cho là nguyên nhân khiến các mạch máu trong cơ thể giãn ra và do vậy khiến da quanh mắt mỏng hơn, mạch máu giãn ở khu vực này khiến chúng bị thâm lại.
-
Do bị bệnh
Quầng thâm dưới mắt là bệnh gì? Một nguyên nhân nữa khiến bạn bị thâm quầng mắt đó là do bị các bệnh về gan, tim, thận, tuyến giáp và một số cơ quan khác. Nếu da quanh mắt không bị tổn thương bởi các yếu tố trên thì bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám vì nó có thể do các bệnh lý trên gây ra.
Cách làm mờ quầng thâm dưới mắt
Nếu nguyên nhân gây thâm quầng dưới mắt không do bệnh hay di truyền thì bạn có thể áp dụng các cách chữa quầng thâm dưới mắt sau đây:
-
Cung cấp đủ nước cho cơ thể
Uống 2 lít nước đều đặn mỗi ngày sẽ giúp loại bớt các độc tố trong cơ thể và giúp cho làn da thêm mịn màng, đủ độ ẩm, giảm thâm quầng mắt.
-
Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc là điều vô cùng quan trọng để khắc phục vết thâm quầng quanh mắt. Ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm chính là bí quyết để da có thời gian hồi phục những thương tổn, đồng thời để bạn có làn da đẹp và đầy đặn hơn mỗi ngày.
-
Chăm sóc mắt đều đặn
Sau những giờ làm việc mỏi mệt và căng thẳng, bạn hãy để cho mắt được nghỉ ngơi và thư giãn khoảng 20 - 30 phút bằng cách đắp một vài lát dưa chuột mỏng lên trên mắt. Cách làm này sẽ giúp làm mát da quanh vùng bị thâm quầng và sẽ giúp da nhanh được phục hồi hơn.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một túi trà lọc đã ngâm nước lạnh để đắp lên vùng mắt bị thâm quầng. Đây là một biện pháp hiệu quả cần được tiến hành đều đặn mỗi ngày. Thời điểm tốt nhất để đắp túi trà lọc là các buổi tối trước khi đi ngủ.
Đắp dưa leo có thể giúp bạn cải thiện tình trạng thâm quầng mắt (Nguồn: Internet)
-
Từ bỏ thuốc lá
Thuốc lá chính là yếu tố khiến da bị khô và mất đi dinh dưỡng cần thiết để nuôi dưỡng các tế bào da. Vì thế, để giảm thâm quầng mắt bạn nên từ bỏ thuốc lá.
-
Ăn uống khoa học
Rất nhiều vấn đề thẩm mỹ có thể là do thiếu hụt vitamin. Quầng thâm và bọng mắt thường là do thiếu vitamin K hoặc không đủ chất chống oxy hóa. Ngoài ra, thiếu B12 (thường có liên quan đến thiếu máu) có thể dẫn đến quầng thâm.
Vì thế, hãy ăn nhiều trái cây và rau quả, đặc biệt là bắp cải, rau chân vịt và các loại rau xanh khác. Hãy bổ sung vitamin hàng ngày nếu cần thiết để góp phần khắc phục tình trạng quầng thâm dưới mắt.
Ngoài ra, hãy giảm lượng muối đưa vào cơ thể. Muối dư thừa khiến cho cơ thể giữ nước ở những nơi không bình thường và điều này có thể dẫn đến bọng mắt. Quá nhiều muối cũng có thể làm giảm sự tuần hoàn và gây ra hiện tượng các mạch máu dưới da trông xanh xao hơn.
Tài liệu tham khảo:
- Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
- Trang thanhnien.vn
- Trang wikihow.vn