Nhược thị là gì? Có chữa được không?

(VOH) - Khi bị nhược thị nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ không có khả năng phục hồi thị lực. Nếu bị nhược thị cả 2 mắt thì nguy cơ mù lòa cao hơn bình thường 3,3%.

1. Nhược thị là gì?

Nhược thị là tình trạng giảm thị lực ở một hoặc cả 2 mắt. Hoặc có sự khác biệt thị lực giữa 2 mắt trên 2 dòng sau khi đã được điều chỉnh kính tối ưu hoặc điều trị được nguyên nhân.

2. Nguyên nhân gây nhược thị

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhược thị như:

2.1 Do bệnh lác mắt

nhuoc-thi-la-gi-co-chua-duoc-khong-voh-1

Người bị mắt lé có nguy cơ bị nhược thị cao (Nguồn: Internet)

Nhược thị do lác là hình thái phổ biến nhất. Lác mắt hay còn gọi là lé mắt, là bệnh mà mắt không di chuyển theo hướng giống nhau khi ta nhìn vào một vật.

2.2 Do tật khúc xạ

Nhược thị có thể xảy ra khi mắt bị cận thị, viễn thị hoặc loạn thị. Những tật khúc xạ này đều liên quan đến khả năng hội tụ ánh sáng vào võng mạc của mắt.

2.3 Do lệch khúc xạ

Khúc xạ hai mắt không đều nhau, thường chênh lệch trên 2D có thể gây nhược thị ở mắt có khúc xạ cao hơn.

2.4 Do các bất thường khác

Các bệnh gây cản trở trục quang học thị giác như sụp mi, sẹo giác mạc, di chứng đồng tử, đục thể thủy tinh bẩm sinh, tổn hại dịch kính,…

Nhược thị có liên quan đến yếu tố gia đình. Trẻ sinh non, có cân nặng ít lúc mới chào đời hoặc những bé sinh ra trong gia đình có bệnh sử bị đục thủy tinh thể lúc nhỏ hay các bệnh nghiêm trọng về mắt sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh nhược thị.

3. Dấu hiệu bị nhược thị

Khi bị nhược thị bạn sẽ gặp các triệu chứng như:

  • Nhìn mờ một hoặc 2 mắt, mỏi mắt, có thể kèm theo lác (lé mắt), sụp mi.
  • Giảm thị lực ở một hoặc hai mắt sau khi chỉnh kính. Ở trẻ nhỏ không thử được thị lực thì dựa vào sự định thị của mắt và khả năng nhìn đồ vật.
  • Người bệnh đọc từng chữ từng mắt rời rạc dễ dàng hơn khi độc nguyên hàng chữ.
  • Mắt không có khả năng định thị hoặc định thị ngoại tâm.

Khi phát hiện có những triệu chứng này bạn nên đi khám mắt ngay để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị kịp thời.

4. Nhược thị có nguy hiểm không?

Nhược thị sẽ không tự hết và nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những vấn đề thị lực vĩnh viễn.

Nếu sau này bên mắt tốt của bạn bị bệnh hay bị thương, bạn sẽ phải phụ thuộc vào thị lực kém của mắt nhược thị. Vì vậy, tốt nhất là điều trị nhược thị càng sớm càng tốt.

5. Nhược thị có chữa được không?

Bệnh nhược thị có thể được chữa bằng các phương pháp sau:

5.1 Phương pháp bịt mắt

nhuoc-thi-la-gi-co-chua-duoc-khong-voh-2

Bịt mắt là phương pháp điều trị nhược thị phổ biến (Nguồn: Internet)

Trong các phương pháp điều trị bệnh nhược thị, phương pháp bịt mắt được coi là phương pháp phổ biến và đạt hiệu quả cao cũng như dễ thực hiện nhất.

Người bệnh sẽ được đặt một miếng dán lên bên mắt khỏe mạnh trong vòng vài tuần đến vài tháng. Phương pháp này buộc người bệnh phải sử dụng mắt bị nhược thị. Miếng dán sẽ kích thích thị lực ở mắt yếu hơn và giúp các bộ phận của não tham gia vào quá trình phát triển thị lực hoàn thiện hơn.

5.2 Phương pháp gia phạt quang học

Đây là phương pháp đặc biệt tác dụng tốt đối với các trường hợp nhẹ và trung bình, những trường hợp bịt mắt nhưng không có hiệu quả và những trường hợp cần điều trị duy trì.

Phương pháp này mục đích làm mờ hình ảnh mắt lành bằng cách dùng thuốc hoặc kính. Bác sĩ sẽ hướng dẫn nhỏ thuốc atropine vào mắt khỏe để tạm thời làm mờ nó nhằm kích thích người bệnh sử dụng mắt nhược thị, đặc biệt là khi tập trung nhìn vật ở gần. Mỗi ngày dùng thuốc nhỏ mắt atropine một lần có tác dụng tương tự như miếng dán mắt.

5.3 Phương pháp kích thích thị giác CAM

Máy kích thích thị giác CAM được đưa vào sử dụng trong việc điều trị nhược thị từ năm 1978. Phương pháp này dựa trên kiến thức là các tế bào vỏ não đáp ứng với các đường sọc có hướng nhất định và với những tần số không gian nhất định. Tuy nhiên, ngày nay phương pháp này hiếm được sử dụng.

5.4 Phương pháp phục thị

Đây là phương pháp được áp dụng vào điều trị nhược thị tại Thụy Sĩ từ những năm 1970 và sau đó được phổ biến rộng rãi. Phục thị là phương pháp dùng chớp sáng mạnh để kích thích võng mạc nhằm tăng thị lực cho mắt bị nhược thị. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ra song thị ở một mắt vĩnh viễn. Do đó, phương pháp phục thị không đóng vai trò quan trọng trong điều trị nhược thị.

6. Nhược thị có mổ được không?

Phẫu thuật là phương pháp thường được áp dụng cho các trường hợp bị nhược thị do lác. Phẫu thuật sẽ điều chỉnh trục của mắt, tiếp đó che mắt và thường kèm theo một hình thức tập mắt nào đó để giúp cả hai mắt phối hợp làm việc tốt với nhau.

Lời khuyên: Việc chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách bệnh nhược thị rất quan trọng. Nhược thị ở trẻ em sẽ dễ điều trị và mang lại hiệu quả cao hơn so với nhược thị ở người lớn. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu bị nhược thị, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp các bác sĩ, chuyên gia về mắt càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.