Bài tiết mồ hôi là quá trình sinh lý tự nhiên của cơ thể dưới sự chỉ huy của hệ thần kinh giao cảm. Đổ mồ hôi là một trong những cách chính để cơ thể làm mát khi nóng bức, là “sản phẩm” của quá trình chuyển hóa hoặc làm việc của cơ bắp.
1. Những nguyên nhân dẫn đến ra mồ hôi tay chân
Một người trung bình có khoảng 2.6 triệu tuyến mồ hôi trên da và được phân phối trên toàn cơ thể, ngoại trừ môi và núm vú. Vì thế, tay và chân cũng là một bộ phận trên cơ thể có thể tiết ra mồ hôi, tuy nhiên, nơi này thường sẽ không tiết ra nhiều lượng mồ hôi như những vùng khác trên cơ thể.
Do đó, nếu bạn bị đổ mồ hôi ở tay hoặc chân nhiều thì khả năng cao bạn đang gặp phải một hoặc nhiều vấn đề sức khỏe sau đây:
1.1 Rối loạn thần kinh thực vật
Nếu bạn bị đổ mồ tay chân bất kể thời tiết nóng hay lạnh, vận động nhiều hay ít và không liên quan đến bệnh lý nào khác thì nhiều khả năng là do chứng rối loạn thần kinh giao cảm gây ra.
Trên thế giới có khoảng 3 – 5% dân số đang sống chung với căn bệnh này. Vị trí ra nhiều mồ hôi thường có tính chất đối xứng ở 2 bàn tay, 2 bàn chân, đầu mặt... Nếu trong gia đình bạn có người bị đổ mồ hôi nhiều do rối loạn thần kinh giao cảm thì nguy cơ bạn cũng mắc phải căn bệnh này là 28%.
1.2 Bệnh tuyến giáp
Quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp) hoặc thiếu hụt hormone tuyến giáp (suy giáp) đều có thể gây rối loạn chuyển hóa khiến cơ thể tăng tiết mồ hôi. Người bệnh thường bị đổ mồ hôi tay chân nhiều.
Tuy nhiên, trong bệnh cường giáp, ngoài việc đổ mồ hôi nhiều còn có thể gây ra một số biểu hiện khác như run tay, tim đập nhanh, hay hồi hộp, trống ngực, mắt lồi, sụt cân nhanh trong khi ăn rất nhiều...
1.3 Bệnh tiểu đường
Biến chứng thần kinh và rối loạn chuyển hóa ở người bệnh tiểu đường có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh giao cảm, gây tăng tiết mồ hôi. Người bệnh thường bị đổ mồ hôi nhiều ở phần trên cơ thể, trong đó có đổ mồ hôi tay.
1.4 Hạ đường huyết
Người bị hạ đường huyết thường gặp tình trạng ra nhiều mồ hôi tay (Nguồn: Internet)
Thường gặp ở người bệnh tiểu đường mạn tính do ăn kiêng quá mức hoặc tác dụng phụ của thuốc hạ đường huyết gây ra. Lượng đường máu thấp sẽ kích thích hệ giao cảm tăng bài tiết hormone adrenaline gây đổ mồ hôi nhiều đặc biệt là tay.
1.5 Rối loạn nội tiết
Sự thiếu hụt hormone sinh dục testosterone ở nam giới tuổi trung niên và estrogen ở nữ giới trước và trong thời kỳ mãn kinh hoặc tuổi dậy thì, sẽ khiến bộ phận cảm biến thân nhiệt hoạt động rối loạn, kích thích tuyến mồ hôi bài tiết nhiều hơn, dẫn đến tình trạng mồ hôi tay chân ra nhiều.
1.6 Thiếu hụt vitamin và khoáng chất (kẽm, vitamin D hay canxi)
Khi cơ thể thiếu đi một số vitamin và khoáng như kẽm, canxi hay vitamin D đều có thể gây ra chứng đổ nhiều mồ hôi tay.
1.7 Tăng tiết mồ hôi thứ phát
Nếu bạn đang mắc phải một số bệnh nhiễm trùng như lao phổi, u tuyến yên, thiếu máu ... thì bạn có thể bị đổ mồ hôi tay và chân.
1.8 Ung thư
Dù không phải triệu chứng đặc trưng nhưng việc đổ mồ hôi tay chân có thể cảnh báo một số bệnh ung thư, chẳng hạn như u lympho, bệnh bạch cầu, u tế bào crom... kèm theo đó là các triệu chứng như sưng hạch bạch huyết, sốt cao, ớn lạnh, người mệt mỏi.
Ngoài ra, nếu bạn thường xuyên lo lắng, hồi hộp, xúc động mạnh hay công việc căng thẳng cũng có thể làm đổ mồ hôi nhiều ở tay, chân.
2. Dấu hiệu nhận biết chứng ra mồ hôi tay chân
Không giống như những căn bệnh khác, chứng ra nhiều mồ hôi tay hoặc chân rất dễ nhận biết thông qua những biểu hiện điển hình như:
- Lòng bàn tay, chân luôn ẩm ướt, có khi mồ hôi ra nhỏ giọt.
- Da tay, chân nhợt nhạt.
- Lòng bàn tay, bàn chân luôn lạnh.
- Da bong tróc và lớp tế bào chết thường xuất hiện ở tay, chân.
3. Điều trị đổ mồ hôi tay chân như thế nào?
Đổ mồ hôi tay, chân là chứng bệnh rất khó điều trị triệt để, việc điều trị cần phải kết hợp rất nhiều biện pháp khác nhau. Nhưng chung quy, để chữa trị hiệu quả chứng bệnh này cần phải tìm ra được nguyên nhân gây bệnh.
Để chữa chứng ra mồ hôi tay chân hiệu quả cần phải tìm ra được nguyên nhân gây bệnh (Nguồn: Internet)
Chính vì thế, khi phát hiện chứng ra nhiều mồ hôi tay chân, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa thần kinh hoặc nội tiết để khám nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó có hướng điều trị thích hợp.
Một số phương pháp chữa trị giúp làm giảm mồ hôi tay chân đang được áp dụng là:
- Sử dụng thuốc: Bao gồm các loại thuốc bôi ngoài da để giảm tiết mồ hôi tạm thời và các loại thuốc uống nhóm kháng cholinergic, thuốc chống trầm cảm... Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc còn tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nên chỉ định còn rất hạn chế.
- Dùng điện di ion: Phương pháp này sử dụng dòng điện cường độ thấp để ức chế tuyến mồ hôi ở tay chân khi bạn ngâm tay chân trong một dung dịch điện ly. Hiệu quả có thể duy trì tối đa 6 tháng/1 liệu trình.
- Tiêm botox: Độc tố botulinum sẽ được tiêm dưới da lòng bàn tay, bàn chân để ngăn chặn tuyến mồ hôi bài tiết. Hiệu quả thường kéo dài trong khoảng thời gian 6 tháng.
- Cắt hạch giao cảm: Chỉ áp dụng cho việc điều trị đổ mồ hôi tay và nó cũng còn tồn tại nhiều rủi ro như đau giao cảm, hội chứng Horner gây sụp mí mắt, tăng tiết mồ hôi bù trừ...
Ngoài ra, nếu đổ mồ hôi tay chân do các yếu tố tác động từ stress, lo âu căng thẳng hoặc do chế độ ăn uống hàng ngày thì bạn cần thực hiện một số biện pháp sau đây để làm giảm thiểu tình trạng đổ mồ hôi:
- Nên ăn nhiều các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như ngũ cốc, hạt bí ngô, đậu phộng, hàu, thịt bò, thịt gà, cá hồi, dâu tây, nho...
- Uống nhiều nước để làm mát cơ thể.
- Hạn chế các loại thực phẩm cay nóng như ớt, tỏi, tiêu hành... và tránh sử dụng các chất kích thích như caffein, rượu, bia, thuốc lá...
- Sử dụng phấn bột (phấn rôm) thay cho các loại kem dưỡng da tay hàng ngày.
- Quản lý tốt cảm xúc của mình bằng việc thường xuyên tập yoga hay ngồi thiền cũng là cách giảm bớt mồ hôi tay chân hiệu quả.
Như vậy, đổ mồ hôi là một phản ứng bình thường nhưng nếu đổ mồ hôi tay chân nhiều thì đó là vấn đề cần được quan tâm, bởi nó không chỉ gây nhiều bất tiện cho bạn trong sinh hoạt mà còn tiềm ẩn nhiều bệnh lý khác. Vì thế, khi gặp tình trạng này bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị bệnh lý (nếu có).
Đổ mồ hôi tay chân trị bằng cách nào hiệu quả nhất? : Đổ mồ hôi tay chân nhiều và thường xuyên đã không còn là chuyện của thời tiết nắng nóng, đó có thể là triệu chứng của bệnh lý, cần chữa trị càng sớm càng tố...
Đổ mồ hôi nhiều do nguyên nhân nào? Cách điều trị là gì? : Nếu không hoạt động cơ thể và cũng không bị căng thẳng, áp lực mà mồ hôi vã ra như tắm thì có thể sức khỏe bạn đang gặp một số vấn đề.