Sáng 14/11: Số ca nhiễm tăng trở lại, người dân TPHCM cần thực hiện tốt 5K

(VOH) - Trong một tuần qua, số địa phương trên địa bàn TP.HCM có số ca nhiễm tăng cao gồm TP Thủ Đức, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, các quận Bình Tân, 12 và Gò Vấp.

Trong 3 ngày gần đây, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn là hai nơi có nhiều ca COVID-19 nhất.

Qua phân tích biểu đồ ca bệnh COVID-19, số F0 tại huyện Bình Chánh có chiều hướng tăng và đang đi ngang trong thời gian gần đây.

Huyện Hóc Môn có giai đoạn đạt đỉnh và hiện có tín hiệu đi xuống.

Riêng quận Bình Tân và quận Gò Vấp đang ở mức cao và nằm ngang.

Các địa phương có số ca không cao nhưng có xu hướng tăng gồm quận 10 và huyện Nhà Bè.

sang-14-11-so-ca-f0-tai-tp-hcm-gia-tang-tro-lai-nguoi-dan-can-thuc-hien-tot-5k-voh.com.vn-anh1
Số ca F0 tại TP.HCM có dấu hiệu gia tăng trở lại. (Ảnh: HL)

Tính từ 16g ngày 12/11 đến 16g ngày 13/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.240 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 443.026 trường hợp nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố.

Số ca cách ly tại nhà đang có chiều hướng tăng trong khi giảm dần tại cơ sở cách ly tại quận, huyện vì TP đang thu hẹp các cơ sở này. Sở Y tế TP kiến nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM sớm triển khai lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị F0.

Qua phân tích của Sở Y tế, tỷ lệ F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ là trên 90%, riêng tỷ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong có tăng nhẹ. Đặc biệt, số ca nhập viện cao hơn số ca xuất viện.

Trước tình hình này, Ngành Y tế thành phố đang thực hiện các giải pháp can thiệp gồm thành lập Đội đặc nhiệm kiểm dịch cùng Tổ chuyên trách điều phối Trạm Y tế lưu động; phát hành tờ rơi “Những điều cần biết dành cho người mắc Covid-19 (F0) khi cách ly tại nhà” gửi đến các quận, huyện; thống nhất với Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội thầy thuốc trẻ Thành phố kích hoạt lại mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”; đề xuất UBND TPHCM cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để TPHCM tiếp tục được an toàn trong trạng thái bình thường mới, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch sau khi đã tiêm đủ liều vắc xin, nhất là biện pháp 5K “Khẩu trang - Khử Khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế”.

Theo thống kê, tính đến sáng 14/11, các điểm tiêm chủng COVID-19 cả nước đã tiêm được trên 99 triệu mũi tiêm, dự kiến Việt Nam sẽ tiêm được 100 triệu mũi vắc xin tính đến hết ngày hôm nay.

Hiện đã có khoảng 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, số tiêm đủ 2 mũi đạt 45% người từ 18 tuổi, riêng nhóm 12-17 tuổi đã có 1,2 triệu trẻ được tiêm chủng mũi 1.

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn điều trị cho trẻ mắc COVID-19. Theo đó, trẻ mắc COVID-19 ít chuyển nặng như người lớn, nhưng vẫn có khoảng 4% chuyển nặng và tỉ lệ nguy kịch là 0,5%.

Còn lại phần lớn không triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp cấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%).

Trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng tuổi) có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Khi trẻ mắc COVID-19 có các dấu hiệu: thở nhanh; khó thở, cánh mũi phập phồng; rút lõm lồng ngực; li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống; tím tái môi, đầu chi; SpO2 < 95%, gia đình phải gọi ngay cho cấp cứu.

Ngoài ra, với 8 triệu chứng sau đây của trẻ, gia đình cần báo ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ: trẻ sốt > 38 độ C; đau rát họng, ho; tiêu chảy; trẻ mệt, không chịu chơi; tức ngực; cảm giác khó thở; SpO2 < 96%; ăn/bú kém.