Sáng 17/12, các tình nguyện viên sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19

(VOH) - Đại diện Học viện Quân y cho biết, ngày 17/12, buổi tiêm Vaccine Nano Covax đầu tiên sẽ được tổ chức tại Học viện Quân y cho các tình nguyện viên.

Theo lãnh đạo Học viện Quân y cho biết, các tình nguyện viên được chọn đều được thăm khám, sàng lọc tìm hiểu về tiền sử bệnh tật đồng thời tiến hành các xét nghiệm cần thiết trước khi tiêm vaccine. Sau khi tuyển chọn được các tình nguyện viên đảm bảo yêu cầu đề ra, theo kế hoạch, sáng 17/12, buổi tiêm Vaccine Nano Covax đầu tiên sẽ được tổ chức tại Học viện Quân y.

2 sản phẩm vắc xin ngừa Covid-19 gồm dạng tiêm và dạng xịt của Nanogen
2 sản phẩm vắc xin ngừa Covid-19 gồm dạng tiêm và dạng xịt của Nanogen

60 tình nguyện viên này sẽ được tiêm bắp tay 2 liều vaccine trong suốt thời gian nghiên cứu. Khoảng cách giữa 2 liều là 28 ngày. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người là 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.

Trong giai đoạn 1 của quá trình thử nghiệm, 60 tình nguyện viên được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm: nhóm đầu tiên gồm 20 người được tiêm vaccine nghiên cứu với liều 25 mcg/người; nhóm 20 người tiếp theo được tiêm với liều 50 mcg; nhóm 20 người cuối cùng dùng liều 75 mcg. Sau tiêm, tình nguyện viên ở lại điểm tiêm tối thiểu 72 giờ để được theo dõi sức khỏe. 

Sau 72 giờ, các tình nguyện viên được về nhà, tự theo dõi, ghi chép thông qua nhật ký theo dõi điện tử trong vòng 7 ngày kể từ ngày tiêm. Hàng ngày sẽ có cán bộ y tế đến thăm hoặc gọi điện thoại. Các tình nguyện viên được mời đến điểm nghiên cứu tối đa 6 lần trong khoảng 10 tuần. Nhật ký được các bác sĩ theo dõi 180 ngày kể từ mũi tiêm thứ nhất để đánh giá tình hình sức khỏe của tình nguyện viên. 

Để chuẩn bị cho thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam, Học viện Quân y đã thành lập trung tâm về vaccine và  trung tâm này đã chuẩn bị sẵn hệ thống 24 giường bệnh, hệ thống tiêm truyền, hệ thống cấp cứu...chuẩn bị cho thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho biết, việc thử nghiệm giai đoạn 1 với 60 người trong độ tuổi 18-50 là giai đoạn “nhạy cảm”, chủ yếu xác định tính an toàn và đáp ứng miễn dịch. Do đó, không chỉ Học viện Quân y, Công ty Nanogen mà Bộ Y tế cùng Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đều khẳng định sẽ tạo điều kiện tối ưu nhất cho giai đoạn này. Học viện Quân y lập 10 tổ chuyên môn nghiệp vụ từ cấp cứu, an toàn tiêm chủng, dược... để thực hiện quá trình thử nghiệm lâm sàng nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả cao nhất. 

Từ tháng 5/2020, công ty Nanogen bắt nghiên cứu và sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 có tên Nanocovax. Đây là dự án theo đơn đặt hàng của Bộ Khoa học Công nghệ, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Nhóm nghiên cứu của Nanogen có tới 500 người trong đó có khoảng 300 người trực tiếp tham gia nghiên cứu không quản ngày đêm suốt 6 tháng qua. Nanogen cũng cam kết, vắc xin Nanocovax có hiệu quả bảo vệ tương đương các sản phẩm khác trên thế giới với mức 90% người được tiêm có khả năng sinh đáp ứng miễn dịch. Dù vậy ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Nanogen cho biết, vắc xin Covid-19 tương tự như vắc xin ngừa cúm, có hiệu quả bảo vệ trên 6 tháng và phải tiêm nhắc lại hàng năm.

Học viện quân y sẽ tiêm thử nghiệm Nanocovax trên người. Giai đoạn 1 sẽ có 60 tình nguyện viên tham gia; giai đoạn 2 từ 400-600 người; giai đoạn 3 gồm 1.500 – 3.000 người và sẽ mở rộng đến 10.000 người. Nếu thử nghiệm lâm sàng thuận lợi, dự kiến tháng 5 sẽ hoàn tất cả 3 giai đoạn, sau đó đi vào sản xuất hàng loạt.