Theo truyền thông Israel đưa tin, trong số gần 1 triệu người Israel đã được tiêm vắc-xin do công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ và công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức cùng hợp tác điều chế, có hơn 200 người vẫn bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Tin cho hay, do vắc-xin không thể tạo ra miễn dịch ngay lập tức đối với virus SARS-CoV-2 nên mọi người vẫn phải đề cao cảnh giác và tự bảo vệ mình trong vòng một tháng kể từ khi tiêm liều vắc-xin đầu tiên.
Tờ báo Times of Israel và hãng thông tấn Nga Sputnik đưa tin, theo số liệu công bố ngày 30/12/2020 cho thấy, hiện có khoảng 240 người Israel đã bị nhiễm COVID-19 vài ngày sau khi tiêm vắc-xin của Pfizer/BioNTech.
Ngoài ra, có 319 trường hợp xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, sốt và cơ thể suy nhược sau khi tiêm, 5 trường hợp bị tiêu chảy, 14 trường hợp bị ngứa cổ họng do dị ứng, 293 trường hợp bị sung và đau nhức cục bộ sau khi tiêm, 26 trường hợp xuất hiện "các triệu chứng thần kinh".
Đài phát thanh Kan public radio của Israel cho hay, có 4 người tại nước này đã tử vong sau khi tiêm vắc-xin Pfizer/BioNTech không bao lâu. Ba trong số đó đã được Bộ Y tế và các bác sĩ xác nhận nguyên nhân tử vong không liên quan đến vắc-xin. Trường hợp còn lại đang được điều tra để làm rõ nguyên nhân dẫn đển tử vong.
Về những trường hợp sau khi tiêm vắc-xin vẫn bị nhiễm COVID-19, truyền thông Israel cho rằng sau khi tiêm vắc-xin, cơ thể con người vẫn cần có thời gian để tạo ra kháng thể.
Các nghiên cứu về vắc-xin của Pfizer/BioNTech cho thấy, khả năng miễn dịch của cơ thể đối với virus SARS-CoV-2 sẽ tăng lên nhưng hiệu quả chỉ đạt khoảng 50% sau khi tiêm mũi đầu tiên từ 8-10 ngày, và khả năng miễn dịch sẽ tăng lên 95% một tuần sau khi tiêm mũi thứ 2.
Do vậy, nguy cơ nhiễm COVID-19 vẫn còn khoảng 5% dù đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin.
Chính vì thế, mọi người vẫn phải tiếp tục đề cao cảnh giác, đặc biệt là phải tuân thủ triệt để các biện pháp phòng ngừa trong vòng một tháng sau khi tiêm mũi đầu tiên.