Chờ...

Siêu âm doppler thai và những điều mẹ bầu cần biết

(VOH) – Siêu âm doppler là kỹ thuật thường được chỉ định trong thai kỳ ở tam cá nguyệt thứ 3 để giúp theo dõi và đánh giá tốc độ phát triển bình thường, khỏe mạnh của thai nhi trong bụng mẹ.

Siêu âm doppler là gì?

Siêu âm doppler (hay còn gọi là siêu âm màu) là kỹ thuật siêu âm được ứng dụng rộng rãi hiện nay để giúp chẩn đoán và điều trị cho nhiều đối tượng bệnh lý khác nhau. Siêu âm doppler sử dụng sóng liên tục đặt trong mạch máu để phát hiện ra các hướng cũng như vận tốc dòng chảy trong cơ thể để chẩn đoán tình trạng sức khỏe, bệnh tật.

Kỹ thuật siêu âm doppler cũng được áp dụng cho thai nhi, thường dùng trong tam cá nguyệt thứ 3 khi các bộ bộ phận cơ thể bé đã được hình thành rõ ràng. Siêu âm doppler thai trong sản khoa có tác dụng đo dòng chuyển động của mạch máu, khảo sát tim thai. Ngoài ra, siêu âm doppler thai còn có những chức năng mà các kỹ thuật siêu âm thai khác không thực hiện được, chẳng như như:

  • Siêu âm doppler động mạch tử cung, doppler mạch máu rốn để phát hiện tình trạng thai suy dinh dưỡng, thai chậm tăng trưởng.
  • Siêu âm doppler mạch máu não giữa và ống tĩnh mạch nếu có nghi ngờ thai bị dị tật hoặc có tình trạng thiếu oxy dinh dưỡng cho não và tim của thai nhi.

Siêu âm doppler thai thường được chia làm 2 loại là: Doppler liên tục và Doppler xung. Trong đó, kỹ thuật doppler liên tục thường không dùng phổ biến trong sản khoa, trừ các trường hợp thai bị hẹp động mạch, hở van tim 3 lá.

Siêu âm doppler thai chỉ định thực hiện khi nào?

Thông thường, trong thai kỳ siêu âm phổ biến nhất được gọi là siêu âm thai, thực hiện từ tuần thứ 11 – 13 tuần 6 ngày để đo được kích thước em bé, dự đoán ngày dự sinh em bé.

sieu-am-doppler-thai-va-nhung-dieu-me-bau-can-biet-voh

Siêu âm doppler thường được thực hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ (Nguồn: Internet)

Từ tuần 16 – 24 của thai kỳ (tam cá nguyệt thứ 2) bác sĩ sẽ thực hiện các siêu âm 3D hoặc 4D để khảo sát hình thái học cũng như tầm soát các dị tật của thai.

Trong 3 tháng cuối thai kỳ một số trường hợp thai phụ sẽ được chỉ định thực hiện siêu âm doppler động mạch tử cung, siêu âm doppler động mạch rốn hoặc siêu siêu doppler động mạch não và ống tĩnh mạch nếu bác sĩ phát hiện thai có dấu hiệu bị suy dinh dưỡng, thai yếu, bánh nhau không cung cấp đầy đủ dưỡng chất để nuôi thai hoặc bác sĩ nghi ngờ thai có những dị tật về mạch máu, dị tật về tim...

Lưu ý: Siêu âm doppler không phải là siêu âm thường quy nên không phải ai cũng được chỉ định làm siêu âm này.

Siêu âm doppler thai có thể phát hiện những dị tật nào?

Khi thực hiện siêu âm doppler thai nhi ở tuần 32 – 39 của thai kỳ sẽ giúp kiểm tra và đánh giá được các tình huống:

  • Tình trạng thai suy dinh dưỡng, thai chậm tăng trưởng.
  • Đo lường lưu lượng máu từng bộ phận trong cơ thể thai nhi (dây rốn, não, tim thai) nhằm xác định khả năng hấp thụ đủ oxy và chất dinh dưỡng cần thiết của bé.
  • Phát hiện sớm các bệnh lý về tim mạch như hở van tim 2 lá, 3 lá hoặc những bệnh lý bẩm sinh khác của tim như bệnh còn ống động mạch...
  • Sàng lọc một số dị tật mạch máu như dị dạng mạch máu não, hẹp van động mạch chủ, hẹp van động mạch phổi...

sieu-am-doppler-thai-va-nhung-dieu-me-bau-can-biet-1-voh

Không phải trường hợp nào cũng cần thực hiện siêu âm doppler (Nguồn: Internet)

Khi phát hiện những bất thường của thai nhi trong thai kỳ, tùy vào từng trường hợp cụ thể cũng như nguyện vọng của thai phụ, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp và an toàn nhất.

Thông thường, những dị tật về mạch máu, tim bẩm sinh bác sĩ có thể sẽ tiến hành can thiệp sau khi em bé được sinh ra đời. Tuy nhiên, với những trường hợp thai nhi dị tật về gen, di truyền và nếu được phát hiện sớm trước tháng thứ 4 thai kỳ thì có thể lựa chọn chấm dứt thai kỳ. Biện pháp chấm dứt thai kỳ thường áp dụng ở thời điểm thai lớn chính là giục sinh.

Thai phụ cần chuẩn bị gì khi thực hiện siêu âm doppler thai?

Trước đây, trước khi thực hiện siêu âm thai phụ có thể sẽ phải nhịn ăn, thậm chí nhịn tiểu, nhưng hiện nay thai phụ không cần chuẩn bị gì nhiều, điều quan trọng là giữ tâm lý thoải mái, giảm bớt căng thẳng, lo lắng trong quá trình thực hiện siêu âm.

Sau khi thực hiện siêu âm doppler thai thai phụ sẽ được bác sĩ tư vấn về chế độ ăn uống trong thai kỳ như “ăn đủ và ăn đúng”, ăn nhiều rau và trái cây, đặc biệt là các loại trái cây giàu vitamin C. Nên uống nước nhiều

Nếu siêu âm doppler phát hiện thai nhỏ, hoặc bị suy dinh dưỡng, hoặc các mạch máu đến nhau thai không nhiều, không đủ lượng máu đến nuôi thai thì thai phụ cần nghỉ ngơi nhiều hơn, không làm việc nặng. Tránh lo âu và stress...

Ngoài ra, ở những lần mang thai tiếp theo cần phải theo dõi thai kỹ càng. Khám thai thường xuyên theo chỉ định từ bác sĩ.

Nhìn chung, siêu âm doppler màu là kỹ thuật siêu âm tương đối an toàn cho thai nhi do không bị xâm lấn. Ngoài ra, cho đến hiện tại cũng không có tài liệu nào ghi nhận sóng siêu âm doppler sẽ ảnh hưởng đến mẹ hoặc thai nhi. Tuy nhiên, để thực hiện siêu âm này mẹ bầu cần có chỉ định từ bác sĩ.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Các mốc siêu âm thai quan trọng mẹ bầu cần nhớ : Siêu âm thai là phương pháp chẩn đoán y khoa qua hình ảnh nhằm theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Siêu âm đúng thời điểm sẽ giúp chị em an tâm về sức khỏe của con trong suốt ...

Siêu âm đầu dò là gì, có gây ảnh hưởng thai nhi? : Khi thực hiện siêu âm đầu dò, bác sĩ sẽ đưa một đầu dò siêu âm vào bên trong âm đạo để tiến hành khảo sát cơ quan sinh dục bên trong của phụ nữ. Vậy siêu âm đầu dò có hại không?