Bị viêm da do kiến ba khoang tăng đột biến
Bệnh viện Da liễu TPHCM công bố, những ngày qua, số lượng bệnh nhân đến khám vì viêm da tiếp xúc dị ứng do côn trùng (chủ yếu là kiến ba khoang) tăng đột biến, với 80 - 100 lượt/ngày. Trong khi đó những tháng trước hầu như không có ca nào.
Gần đây, theo phản ánh của nhiều sinh viên ở khu B - Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, xuất hiện kiến ba khoang, nhiều nhất là về đêm. Chúng tập trung tại các bóng đèn, sau đó di chuyển đến giường chiếu, quần áo, khăn, mùng mền... Nếu vô tình tiếp xúc dịch tiết của chúng sẽ gây ngứa ngáy, khó chịu, viêm da.
Kiến ba khoang xuất hiện dày đặc tại các phòng ở sinh viên thuộc ký túc xá khu B - ĐH Quốc gia TPHCM - Ảnh: Hội những người ở khu B - ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM
Phòng chống kiến ba khoang
Về vấn đề bị tổn thương da do kiến ba khoang, TS Đoàn Bình Minh, phó viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TPHCM (Bộ Y tế) cho biết, kiến ba khoang không đốt hay cắn mà khi chúng ta vô tình tiếp xúc dịch tiết cơ thể của chúng (chất pederin - một chất độc gây rộp), dịch tiết này sẽ gây bỏng và viêm da...
Để phòng chống kiến ba khoang, người dân có thể dùng đèn ánh sáng vàng vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng trắng. Bên cạnh đó, cần ngủ trong mùng; sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra - vào; phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà.
Đối với những người làm vườn, ra đồng ruộng cần mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.
Vết tổn thương da do kiến ba khoang - Ảnh: TTO
Khuyến cáo của Bộ y tế
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, kiến ba khoang gây viêm da mức độ từ nhẹ đến nặng, tùy theo lượng độc chất xâm nhập qua da. Tác nhân gây viêm da là độc chất trong dịch có trên thân kiến ba khoang, độc chất này gây ngứa rát, đỏ cộm, mụn nước nếu chúng ta đập kiến và làm thân kiến vỡ ra.
Nếu tay bị dính độc chất mà sờ vào mắt có thể gây bỏng mắt, nếu vùng tổn thương ở gần mắt, mắt có thể bị sưng.
Nếu có một con kiến ba khoang đang bò trên người bạn, hãy lấy nó ra khỏi người bằng cách thổi, hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra khỏi người. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này.
Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da, phải nhanh chóng rửa sạch da và đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ.