Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Số ca giang mai ở trẻ sơ sinh ở Mỹ tăng 10 lần trong một thập kỷ

VOH - Số trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai ở Mỹ đã tăng hơn 10 lần trong thập kỷ qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) báo cáo hôm 7/11.

Cơ quan này cho biết, có 3.761 trường hợp được ghi nhận vào năm 2022, cao nhất trong hơn 30 năm, tăng so với 334 trường hợp vào năm 2012.

Các trường hợp năm 2022 bao gồm 231 trường hợp thai chết lưu và 51 trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh.

giang mai
Một người mẹ bế con ở Fort Worth, Texas, Mỹ - Ảnh: Reuters

Laura Bachmann, Giám đốc y tế của Phòng Phòng chống STD của CDC cho biết, 9 trong số 10 trường hợp có thể được ngăn ngừa bằng xét nghiệm và điều trị kịp thời trong thai kỳ.

Bệnh giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không điều trị. Trong khi mang thai, có thể dẫn đến thai chết lưu, sẩy thai, tử vong ở trẻ sơ sinh và bệnh tật ở bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Bệnh giang mai bẩm sinh xảy ra khi người mẹ mắc bệnh giang mai truyền bệnh cho con trong thai kỳ. CDC khuyến nghị, sàng lọc bệnh giang mai ở lần khám thai đầu tiên để giảm lây truyền chu sinh.

Theo CDC, Benzathine penicillin G là phương pháp điều trị bệnh giang mai duy nhất được khuyến nghị trong thai kỳ và phải được tiêm một liều duy nhất hoặc ba liều cách nhau từ 7 đến 9 ngày, tùy thuộc vào giai đoạn nhiễm trùng.

Giang mai là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do một loại vi khuẩn có tên là Treponema pallidum gây ra. Theo CDC, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh giang mai có dấu hiệu giảm, nhưng ở nam giới, đặc biệt là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, đang tăng lên.

Tương tự như các bệnh lây qua đường tình dục khác, giang mai cũng khó chẩn đoán vì người nhiễm bệnh thường không có bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm. Nếu nhiễm giang mai quá lâu và không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra tổn thương lớn đến các cơ quan nội tạng quan trọng như tim, não…

Bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn trong điều kiện phát hiện ở giai đoạn sớm, khi vi khuẩn chưa làm tổn thương sâu các cơ quan nội tạng.

Với phụ nữ, trước khi có kế hoạch mang thai cũng cần phải kiểm tra xem có nhiễm vi khuẩn hay không. Nếu có, cần điều trị dứt trước khi mang thai. Nếu phát hiện bệnh trong thai kỳ, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ sản khoa để có hướng xử lý, hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho bé.