Theo một nghiên cứu mới được công bố trên BMJ Oncology, số người dưới 50 tuổi trên toàn thế giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đã tăng gần 80% trong ba thập kỷ qua.
Các trường hợp mắc bệnh ung thư khởi phát sớm trên toàn cầu đã tăng từ 1,82 triệu vào năm 1990 lên 3,26 triệu vào năm 2019, trong khi tỷ lệ tử vong do ung thư ở người trưởng thành ở độ tuổi 40, 30 hoặc trẻ hơn tăng 27%.
Nghiên cứu cho thấy, hơn 1 triệu người dưới 50 tuổi mỗi năm đang chết vì ung thư.
Xem thêm: Ung thư phổi: 26.000 ca mắc mỗi năm nhưng có tới 23.000 ca tử vong
Các chuyên gia vẫn đang trong giai đoạn đầu tìm hiểu lý do đằng sau sự gia tăng số ca bệnh. Tuy nhiên, chế độ ăn uống kém, sử dụng rượu và thuốc lá, ít hoạt động thể chất và béo phì có thể là một số yếu tố gây ra tình trạng này.
Các chuyên gia khuyến khích mọi người có lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế hút thuốc lá, rượu và vận động ngoài trời thích hợp, có thể làm giảm gánh nặng ung thư khởi phát sớm.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở người trưởng thành dưới 50 tuổi gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới trong vài thập kỷ qua. Nghiên cứu mới nhất do Đại học Edinburgh ở Scotland và Trường Y Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu, Trung Quốc dẫn đầu, là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra vấn đề này trên quy mô toàn cầu và các yếu tố nguy cơ đối với người trẻ tuổi.
Trong nghiên cứu toàn cầu này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 204 quốc gia về 29 loại ung thư.
Họ xem xét các ca bệnh mới, số ca tử vong, hậu quả sức khỏe và các yếu tố nguy cơ góp phần gây ra bệnh cho tất cả những người từ 14 đến 49 tuổi để ước tính những thay đổi từ năm 1990 đến năm 2019.
Năm 2019, tổng số ca chẩn đoán ung thư mới ở độ tuổi dưới 50 là 3,26 triệu, tăng 79% so với con số năm 1990.
Ung thư vú có số ca mắc và tử vong liên quan lớn nhất, lần lượt là 13,7 và 3,5 trên mỗi 100.000 dân số toàn cầu.
Các trường hợp ung thư khí quản và tuyến tiền liệt khởi phát sớm tăng nhanh nhất trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2019, với tỷ lệ thay đổi phần trăm hàng năm ước tính lần lượt là 2,28% và 2,23%.
Tổng cộng có 1,06 triệu người dưới 50 tuổi chết vì ung thư vào năm 2019, tăng 27% so với con số năm 1990. Sau ung thư vú, tỷ lệ tử vong cao nhất có liên quan đến ung thư khí quản, phổi, dạ dày và ruột. Tỷ lệ tử vong tăng mạnh nhất là ở những người mắc bệnh ung thư thận hoặc buồng trứng.
Tỷ lệ mắc bệnh ung thư khởi phát sớm cao nhất vào năm 2019 là ở Bắc Mỹ, Châu Đại Dương và Tây Âu. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cũng bị ảnh hưởng và tỷ lệ tử vong cao nhất trong số những người dưới 50 tuổi là ở Châu Đại Dương, Đông Âu và Trung Á.
Các nhà nghiên cứu cho biết, di truyền có thể là một yếu tố nhưng chế độ ăn nhiều thịt đỏ và muối, ít trái cây và sữa, cùng với việc sử dụng rượu và thuốc lá, là những yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh ung thư phổ biến nhất ở những người dưới 50 tuổi. Cùng với đó là việc không hoạt động thể chất, thừa cân và các yếu tố góp phần làm tăng lượng đường trong máu.