Stress gây hại cho cơ thể?
Theo PGS-BS Gail Saltz chuyên ngành tâm thần học tại Bệnh viện New York (Mỹ), stress là “phản ứng bình thường của con người trước các tác động đe dọa đến thể chất và tinh thần”.
Khi căng thẳng, cơ thể chúng ta sẽ phản ứng tương tự lúc gặp tình huống nguy hiểm. Lúc này, nồng độ hormon cung cấp năng lượng tăng lên đáng kể, mọi giác quan trở nên nhạy cảm hơn hẳn, tim đập nhanh và hơi thở gấp. Đây chính là phản ứng chống căng thẳng.
Thực tế, tình trạng căng thẳng có thể mang đến một số tác động tích cực, giúp chúng ta tập trung suy nghĩ, phán đoán chính xác và hành động quyết liệt hơn trước các tình huống bất định.
Thế nhưng, ngược lại, tình trạng căng thẳng mệt mỏi (stress) liên tục và kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe, thể chất và tinh thần của bệnh nhân, gây ra nhiều rối loạn chuyển hóa bên trong cơ thể, làm tăng nồng độ cholesterol trong máu, kéo theo bệnh tim mạch, cao huyết áp, loạn dưỡng, rối loạn tiêu hóa, xuất huyết dạ dày, nhức đầu, đau bụng, đau lưng, mất ngủ, chán nản, lo âu, buồn bã, rối loạn kinh nguyệt…
Vì vậy, mọi người cần hiểu rõ về các mức độ stress, từ đó có cách phòng ngừa nguy cơ bệnh tật.
Tiến sĩ Cynthia Ackrill - chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu về stress, cho biết phần lớn chúng ta chỉ thường trải qua stress ở mức độ cấp tính. Đây là loại tâm lý căng thẳng phố biến, xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định và không kéo dài. Lượng stress cấp tính phù hợp giúp kích thích não bộ hoạt động, nhịp tim và nhịp thở tăng, cả cơ thể bạn sẽ hoạt động tích cực hơn. Thậm chí, những sự kiện gây stress trong một đoạn thời gian ngắn còn giúp các tế bảo gốc cải thiện hiệu suất và tinh thần làm việc.
Ngược lại, mức độ stress gây nguy hiểm chính là stress mãn tính. Điều này xảy ra khi stress cấp tính không được giải quyết, kéo dài trong một thời gian dài và dần trở thành mãn tính. Loại stress này rất nguy hiểm, độc hại, hủy hoại sức khỏe thể chất và tinh thần khi toàn bộ cơ thể phải chịu căng thẳng liên tục, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm.
Tác hại của stress kéo dài
Tình trạng căng thẳng mệt mỏi ở một mức độ nhất định có thể tạo nên động lực thúc đẩy chúng ta nỗ lực, phấn đấu. Lúc đó, bạn sẽ huy động tối đa mọi sức mạnh và nguồn lực để vượt qua thử thách và tiếp tục hoàn thiện bản thân. Thế nhưng, nếu vượt quá ngưỡng cần thiết, vấn đề này có thể gây ra hàng loạt nguy hại cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, thậm chí dẫn đến hành động tự sát.
Về thể chất, tình trạng căng thẳng mệt mỏi kéo dài sẽ khiến các gốc tự do liên tục hình thành và phát triển. Hiện tượng này kéo theo nhiều rối loạn chuyển hóa lipid và tăng cường nồng độ cholesterol trong máu.
Không chỉ dừng lại ở đó, trạng thái căng thẳng thần kinh cũng kích thích cơ thể sản sinh nhiều adrenalin. Loại hormon này có thể thu hẹp mạch máu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt oxy ở thành mạch, tim mạch và nhiều cơ quan khác. Những tác hại nghiêm trọng của tình trạng căng thẳng mệt mỏi bao gồm các bệnh lý thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, phụ khoa, cơ xương khớp và thậm chí là ung thư.
Về tinh thần, tình trạng stress kéo dài cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực về mặt tinh thần như: mất ngủ, thiếu hụt canxi, run rẩy, suy giảm trí nhớ…
Một nghiên cứu của Đại học Y khoa Albert Einstein (New York, Hoa Kỳ) trên 507 bệnh nhân trên 70 tuổi đã phát hiện mối liên hệ giữa chứng suy giảm nhận thức và tình trạng căng thẳng mạn tính. Theo đó, mức độ nhận thức của những người thường xuyên căng thẳng thấp hơn những người bình thường 2.5 lần.
Ngoài ra, tình trạng căng thẳng mệt mỏi mãn tính không chỉ gây ra triệu chứng lo lắng, sợ hãi, nhạy cảm, hoảng loạn vô lý mà còn làm teo nhỏ bộ não và kéo theo nhiều dạng rối loạn tâm thần (ám ảnh xã hội, rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm…).
Các phương pháp giảm stress
Nếu nghi ngờ mình đang gặp phải tình trạng stress mãn tính hoặc các vấn đề rối loạn thần kinh khác, điều cần thiết là bạn cần đến sự hỗ trợ từ các bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia về tâm thần học.
Bên cạnh đó, trước khi cần sự giúp đỡ từ chuyên gia y tế, bạn cũng có thể trò chuyện, tâm sự, chia sẻ với những người mà mình tin tưởng như bạn bè, người thân; hỏi xem họ có nhận ra sự khác biệt nào về tâm lý của bạn không, đồng thời bạn cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ và chia sẻ từ họ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng một số phương pháp giúp cân bằng tinh thần và có tác dụng giảm stress hiệu quả, được đề xuất từ các chuyên gia tâm thần học trên thế giới, như tập thiền, các bài tập vận động, tập thở đúng cách…
Theo Tiến sĩ Ackrill, ngày nay bạn có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm phương pháp giúp giảm căng thẳng khác nhau được chia sẻ trên mạng. Phần lớn các phương pháp này đều giống nhau ở điểm giúp não bộ của bạn hạn chế suy nghĩ về quá khứ hay tương lai, thay vào đó là giúp bạn tĩnh tâm và tập trung vào hiện tại.