Sử dụng máy lạnh mùa hè dễ bị nhức đầu, dị ứng mũi?

VOH - Vào mùa hè nắng nóng gay gắt, thời tiết oi bức, mọi người vừa mới đi được vài bước chân ngoài đường là lập tức muốn tìm chỗ nào có máy lạnh mát mẻ để chạy vào đó “trốn nóng”.

Còn đang làm việc trong văn phòng thì sao? Mọi người sẽ mở máy lạnh ở nhiệt độ lạnh nhất, nhưng nếu ở văn phòng với nhiệt độ thấp trong thời gian dài thì hãy cẩn thận có thể dễ gặp vấn đề sức khỏe do máy lạnh gây ra.

Vậy ngồi lâu trong văn phòng máy lạnh có thể gặp vấn đề sức khỏe gì? Làm thế nào để ngăn ngừa hoặc giảm bớt các vấn đề sức khỏe này? Hãy để chuyên gia dinh dưỡng cho mọi người biết qua bài viết dưới đây.

đau đầu
Để không bị nhức đầu, mọi người cố gắng tránh luồng không khí lạnh từ máy lạnh thổi trực tiếp vào người, đặc biệt là vùng đầu và gáy -  Ảnh: TVBS

Bệnh do máy lạnh là gì?

Bệnh do máy lạnh (máy điều hòa) là tổng hợp các triệu chứng, bao gồm cảm lạnh, nhức đầu, nghẹt mũi, sổ mũi, tức ngực, mệt mỏi thiếu sức sống, yếu chi dưới, tê bì tay chân, lạnh tay chân do người ở trong phòng máy lạnh thời gian dài, do bước vào phòng máy lạnh từ bên ngoài nóng bức hoặc ngược lại và trải qua môi trường thay đổi nhiệt độ chênh lệch lớn. 

Xem thêm: Ngủ trong phòng máy lạnh giúp ngủ ngon, có lợi cho sức khỏe

Biện pháp ứng phó với các triệu chứng thường gặp của bệnh do máy lạnh gây ra

Nhức đầu

Nếu người từ ngoài trời nhiệt độ đang cao bước vào phòng máy lạnh nhiệt độ đang thấp quá nhanh, hoặc nếu người ở gần luồng không khí lạnh từ máy lạnh thổi ra quá lâu, dễ làm cho các mạch máu sẽ co lại, khiến huyết áp tăng cao và gây ra đau đầu.

Khoáng chất magie có thể giúp điều chỉnh chức năng thần kinh và giảm căng thẳng lo lắng, vitamin D có thể làm giảm thời gian và tần suất các cơn đau đầu, mọi người có thể ăn thêm hạt bí đỏ (bí ngô), rau lá xanh, trứng gà, các loại nấm và cá hồi…để giảm chứng đau đầu này.

Đồng thời, mọi người cố gắng tránh luồng không khí lạnh từ máy lạnh thổi trực tiếp vào người, đặc biệt là vùng đầu và gáy.

Tay chân lạnh

Khi ở lâu trong phòng có máy lạnh khiến mạch máu co lại, mạch máu ngoại biên (mạch máu ngoại vi) không lưu thông, dẫn đến dễ bị lạnh tay chân.

Lúc này, mọi người có thể bổ sung vitamin B1, B3 và các thực phẩm giàu vitamin nhóm B sẽ giúp cơ thể trao đổi chất, thúc đẩy tuần hoàn máu… Mọi người có thể chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, bí đỏ, thịt nạc, ức gà và đậu đen… Ăn các loại thực phẩm này một phần nào sẽ giúp tay chân hết lạnh.

Ngoài ra, chuẩn bị thêm một cái áo ấm khi đến công sở hay trường học cũng là một việc làm không thừa, mọi người nhớ thỉnh thoảng đứng dậy đi lại để giãn cơ và xương cũng giúp tay chân bớt lạnh.

Da khô ngứa

Phòng có máy lạnh thường thiếu độ ẩm, khiến người ngồi lâu trong đó dễ bị khô mắt, ngứa da...

Mọi người có thể bổ sung nhiều vitamin A để duy trì sức khỏe của làn da và niêm mạc đường hô hấp, cũng có thể bổ sung thêm nhiều vitamin E để giảm tác hại của các gốc tự do và làm chậm quá trình viêm da, có thể ăn các thực phẩm giàu vitamin A chẳng hạn như gan heo, khoai lang, bí đỏ, bơ, các loại hạt…

Đồng thời, cứ sau 25-30 phút làm việc, ngoài việc đứng dậy vận động giãn gân cốt, mọi người cũng đừng quên uống thêm nước, đầy đủ nước cũng có thể làm giảm khô da và ngứa da.

Nếu cần thiết, mọi người cũng có thể thoa kem dưỡng da hoặc các sản phẩm cấp nước và dưỡng ẩm cho da.

Dị ứng mũi

Phòng máy lạnh thường phải bịt kín các lỗ thông hơi, ngăn cách không khí trong phòng và ngoài trời. Do đó, không khí trong phòng máy lạnh không được lưu thông tốt và đặc biêt không khí đi qua máy lạnh mang theo bụi bẩn, vi khuẩn làm ô nhiễm không khí trong phòng, khiến cho mọi người ở trong đó thời gian dài cảm thấy khó chịu và dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là dễ bị dị ứng mũi.

Trong trường hợp này, cần hấp thụ đầy đủ vitamin C để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể và tăng cường sức đề kháng với môi trường bên ngoài, trong khi axit béo Omega-3 có thể giúp giảm viêm cơ thể.

Mọi người có thể ăn các loại trái cây như ổi, trái kiwi, cá hồi và dầu hạt lanh… sẽ bổ sung đầy đủ vitamin C và axit béo Omega-3 cho cơ thể.

Điều quan trọng nữa là mọi người cố gắng loại bỏ tích tụ bụi bẫn và duy trì sự lưu thông không khí thật tốt trong phòng máy lạnh.

Trước khi mở máy lạnh (bật máy điều hòa), mọi người có thể mở các cửa sổ để thông thoáng gió cho căn phòng, đồng thời thường xuyên vệ sinh môi trường căn phòng sạch sẻ bằng cồn để giảm bụi bẫn hoặc vi trùng.

Các việc làm này sẽ giúp mọi người giảm thiểu mắc các triệu chứng khi ở phòng máy lạnh trong thời gian dài.

Bình luận