Cây mật nhân hay còn gọi là mật nhơn, bá bệnh, bá bịnh, bách bệnh có tên khoa học là Eurycoma longifolia. Đây là loại cây có hoa thuộc họ Simaroubaceae, loài bản địa ở Malaysia, Indonesia, ngoài ra còn xuất hiện ở Thái Lan, Lào, Ấn Độ và Việt Nam (mọc ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và miền Đông Nam bộ).
Cây mật nhân thường mọc ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ Việt Nam (Nguồn: Internet)
Mật nhân là loại cây bụi, thân mảnh, có kích thước trung bình, có thể cao đến 10m, thường không phân nhánh. Lá kép lông chim, mỗi lá kép gồm 30 – 40 lá chét, hình mũi mác hoặc hình trứng ngược, mặt trên của lá màu xanh, mặt dưới màu trắng, cuống lá màu nâu đỏ. Hoa mọc thành cụm hình chùy ở nách lá, màu đỏ nâu, có nhiều lông tơ mịn, cánh nhỏ, rất mềm, nở vào tháng 3 - 4 hằng năm. Quả hạch cứng, hình trứng, nâu vàng khi còn non và có màu nâu đỏ khi chín, kết quả vào tháng 5 – 6. Vỏ và rễ thường có màu trắng hoặc vàng ngà.
1. Tác dụng của cây mật nhân
Theo đông y, mật nhân có vị đắng, tính mát, quy (đi vào) kinh can và thận, có tác dụng bổ dưỡng cho người bị khí huyết hư, gân xương đau nhức, tê chân tay, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hay kiết lỵ đều dùng được), phòng ngừa tứ thời cảm mạo.
Ngoài ra, cây mật nhân còn trị được một số bệnh của phụ nữ như chứng thống kinh (phụ nữ bị đau bụng lúc hành kinh), chứng ách nghịch ở ngực (đau tức ngực do khí ứ không thông).
Nghiên cứu mới nhất cho thấy cây mật nhân có thêm công dụng cải thiện chức năng sinh lý và tăng cường sức khỏe tình dục, bổ sung năng lượng cho cơ thể, giúp giảm stress, mệt mỏi, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa khối u và phòng chống lão hóa…
Không thể nói cây mật nhân trị được bách bệnh nhưng phải công nhận đây là cây thuốc quý (Nguồn: Internet)
Năm 2006 đã có một quy trình chiết xuất cây mật nhân và phương pháp điều trị rối loạn chức năng tình dục và vô sinh ở nam giới đã được Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế. Tuy nhiên, không thể nói cây mật nhân trị được bách bệnh nhưng phải thừa nhận đây là cây thuốc quý.
2. Cây mật nhân được các nước trên thế giới sử dụng như thế nào?
2.1 Ở Indonesia và Malaysia
Rễ cây mật nhân là bộ phận được người Indonesia và Malaysia dùng nhiều nhất để tăng sinh lực, cải thiện chứng trầm cảm sau sinh, tăng cường sức khỏe tình dục, giảm sốt, trị giun sán đường ruột, bệnh lỵ, tiêu chảy, khó tiêu và vàng da.
Cây mật nhân là thành phần thông dụng trong cà phê và thức uống giúp tăng cường năng lượng tại những quốc gia này.
Ngoài ra, ở Malaysia cây còn được chế thành dạng bôi giúp giảm đau đầu và đau bụng.
2.2 Ở Hoa Kỳ và các nước châu Âu
Tại các nước châu Âu, cây mật nhân được dùng để tăng cường sức khỏe tình dục, cải thiện tình trạng suy nhược cơ thể, trị sốt rét, tiểu đường, các rối loạn về tiêu hóa, các bệnh về khớp, phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới. Trong đó, chức năng tăng cường sức khỏe tình dục là được sử dụng phổ biến hơn cả.
Tương tự như Indonesia và Malaysia, trong cà phê và một số thức uống giúp tăng cường năng lượng tại Hoa Kỳ và châu Âu cũng có sự góp mặt của những thành phần được chiết xuất từ mật nhân.
2.3 Ở Việt Nam
Hoa và quả mật nhân được dùng trị bệnh lỵ, rễ dùng trị sốt rét và sốt ở Việt Nam.
Mật nhân thường được dùng ở dạng nấu nước uống và ngâm rượu.
3. Bài thuốc ngâm rượu từ mật nhân
Ở Việt Nam, mật nhân thường được dùng nấu nước uống và ngâm rượu (Nguồn: Internet)
3.1 Công thức 1
- Cây mật nhân đem chặt nhỏ, phơi khô rồi sao cho vàng.
- Đem mật nhân ngâm rượu với tỷ lệ 30 - 40 gam trong 1 lít rượu, ngâm 20 ngày là dùng được.
- Sử dụng rượu mật nhân mỗi ngày với liều lượng 20 - 50ml.
Nếu không uống đắng được, có thể ngâm rượu mật nhân với nho khô hay chuối khô nướng vàng.
3.2 Công thức 2
- Rễ cây mật nhân 1kg
- Chuối hột rừng 1kg
- Táo mèo 2kg
- Rượu trắng 10 lít.
- Ngâm tất cả nguyên liệu trong hủ trong 20 ngày, mỗi ngày dùng 2 chén nhỏ.
Ngoài ra, rễ hay vỏ thân của cây mật nhân có thể sắc nước uống mỗi ngày khoảng 15g.
4. Chống chỉ định khi dùng mật nhân
Tuy mang nhiều công dụng nhưng không phải đối tượng nào cũng có thể dùng mật nhân. Và theo lời khuyên của dược sĩ, các nhóm đối tượng không nên dùng mật nhân gồm có:
- Người bị bệnh gan, dạ dày, tim mạch hoặc các bệnh về nội tạng.
- Phụ nữ mang thai.
- Trẻ em dưới 9 tuổi.
- Người dị ứng với bất kỳ chất nào của cây mật nhân, các loại thuốc hoặc các loại thảo mộc khác.