Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Những tác dụng của cây nhân trần giúp chữa bệnh ít người biết

(VOH) – Nhân trần là một loại thảo dược có tác dụng tốt cho sức khỏe con người. Hiểu rõ những tác dụng của cây nhân trần sẽ giúp bạn tận dụng được công dược của loại cây này trong điều trị bệnh.

Nhân trần hay còn gọi là hoắc hương núi, chè nội, chè cát, tuyết hương lam, có tên khoa học là Adenosma glutinosum, thuộc họ hoa Mõm chó.

1. Đặc điểm nhận diện cây nhân trần

Theo tài liệu cây thuốc trị bệnh thông dụng của TS Võ Văn Chi, nhân trần là một loại cây thân thảo mọc quanh năm, có mùi thơm, phủ lông mịn dày. Thân cây mọc đứng, cao 10 – 60cm với các cành phân đôi.

Lá hình trái xoăn dài. Hoa màu xanh hoặc tím, có hình cầu. Quả nang hình trứng, nhẵn, có hạt nhỏ bên trong.

tac-dung-cua-cay-nhan-tran-giup-chua-benh-it-nguoi-biet-voh

Nhân trần mọc phổ biến khắp cả nước, nhất là những vùng đồng băng (Nguồn: Internet)

Cây mọc phổ biến khắp cả nước, đặc biệt là ở những vùng đồng bằng, dọc bờ ruộng, bãi đất trống.

Bộ phận dùng làm thuốc của nhân trần là toàn thân, trừ rễ.

2. Tác dụng của cây nhân trần trong y học

Cây nhân trần là dược liệu được danh y Hoa Đà tình cờ phát hiện ra. Theo sách cổ, nhân trần có vị hơi đắng, tính hơi hàn. Vào được bốn đường: Kinh tỳ, Vị, Can và Đởm. Công dụng của cây nhân trần là giúp thanh nhiệt, lợi thấp, lợi mật thoái hoàng.

Nhân trần có thể được dùng để chữa thân thể nóng, da vàng, tiểu tiện không tốt. Trong y học cổ truyền, cây nhân trần cũng được dùng cho phụ nữ sau khi sinh nở uống để dễ tiêu hóa, nhanh lấy lại sức khỏe. Ngoài ra, dược liệu này còn được dùng làm thuốc chữa sốt, ra mồ hôi, thông tiểu tiện, chữa bệnh gan.

tac-dung-cua-cay-nhan-tran-giup-chua-benh-it-nguoi-biet-1-voh

Cây nhân trần có nhiều công dụng trong điều trị bệnh (Nguồn: Internet)

Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, nhân trần có tác dụng như:

  • Làm tăng tiết và thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật, bảo vệ tế bào gan và phòng chống tình trạng gan nhiễm mỡ.
  • Giúp làm hạ huyết áp, điều chỉnh rối loạn lipid máu, cải thiện lưu lượng tuần hoàn nuôi tim và não.
  • Có khả năng thúc đẩy quá trình dung giải fibrin và chống đông máu.
  • Giúp giải nhiệt, giảm đau và chống viêm.
  • Có tác dụng ức chế một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn bạch hầu, thương hàn, phó thương hàn, mủ xanh, coli, lỵ, song cầu khuẩn viêm não, viêm phổi và một số loại nấm.
  • Cải thiện khả năng miễn dịch, đồng thời ngăn chặn được khả năng tăng sinh của tế bào ung thư.
  • Ngoài ra, tác dụng của nhân trần còn giúp lợi tiểu và giảm hen suyễn.

Trên lâm sàng hiện đại, các bác sĩ đã nghiên cứu và sử dụng nhân trần để điều trị một số chứng bệnh như viêm gan truyền nhiễm cấp tính thể vàng da, vàng da tán huyết do trực khuyển thương hàn ở trẻ sơ sinh, hội chứng rối loạn chuyển hóa lipid máu, thiểu năng mạch vành tim, eczema dai dẳng ở trẻ em, viêm loét miệng, nấm da....

3. Một số bài thuốc chữa bệnh có nhân trần

  • Chữa vàng da: Nhân trần 30g phối hợp với dành dành 24 quả, thạch cao 4 - 6g nung, sắc uống.
  • Chữa kém ăn, đầy bụng, khó tiêu: Nhân trần 12g, kim tiền thảo 10g, cam thảo nam 10g. Các vị dùng cả cây trừ rễ, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày sau bữa ăn. Hoặc nhân trần 20g, ké hoa vàng 20g, thân và rễ mộc thông 10g, rễ móc diều 10g, sao vàng, sắc uống (phụ nữ có thai không được dùng).
  • Dùng cho phụ nữ sau sinh:  Nhân trần 8g sắc với mần tưới 20g, mạch môn 20g, ngải cứu 10g, rẻ quạt 4g, vỏ bưởi khô 4g, tất cả cho vào sắc uống ngày 1 thang.
  • Điều hòa kinh nguyệt: Nhân trần 12g, ích mẫu 12g, lá đuôi lươn 10g, bạch đồng nữ 10g, rễ gắm 8g, nghệ đen 6g. Sắc hoặc nấu thành cao lỏng, uống trong ngày.
  • Trị hen suyễn: Nhân trần kết hợp với hoa cúc vạn thọ, rau cần, củ tầm sét, thài lài tía, rễ bạch đồng nữ và tinh tre mỡ, mỗi thứ 10g. Sắc uống.
  • Hạ sốt, giúp ra mồ hôi: Nhân trần 6g, hoạt thạch 20g, hoàng cầm 12g, thạch xương bồ 8g, mộc thông 8g, hoắc hương 6g, xuyên bối mẫu 8g, xạ can 6g, liên kiều 6g, bạc hà 6g, bạch đậu khấu 6g. Sắc uống.

tac-dung-cua-cay-nhan-tran-giup-chua-benh-it-nguoi-biet-2-voh

Nhiều người sử dụng nhân trần để dùng làm trà uống (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, y học cổ truyền còn có một cách sử dụng nhân trần khá độc đáo đó là dùng để pha trà uống. Nói là “trà” nhưng thực chất là dùng nhân trần đơn thuần hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác hãm trong nước sôi theo kiểu pha trà để uống nhằm mục đích phòng và chữa bệnh.

4. Những lưu ý khi sử dụng nhân trần

Nhiều người sử dụng trà nhân trần thường thêm cam thảo để làm tăng thêm hương vị đậm đà của nước. Tuy nhiên, tính chất và công năng của 2 thảo dược này hoàn toàn trái ngược nhau, dùng chung có thể sẽ tiềm ẩn nguy hại bởi tương tác thuốc, nhất là tăng huyết áp.

Người già và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cũng cần thận trọng với đồ uống mát, có tính giải nhiệt cao như nhân trần vì chức năng tiêu hóa của người già và trẻ nhỏ không ổn định, khả năng hấp thụ kém hơn nên uống nhiều nước mát không tốt

Phụ nữ mang thai nếu không có bệnh lý về gan, không được bác sĩ chỉ định thì cũng cần thận trọng khi dùng nhân trần vì uống nhiều có thể làm thai suy dinh dưỡng, chết lưu thai. Phụ nữ sau sinh uống nhân trần chỉ nên dùng với lượng phù hợp, uống nhiều có thể bị mất sữa hoặc có ít sữa.

Bình luận