Khám phá những tác dụng của hoa hòe trong phòng và chữa bệnh

(VOH) - Hoa hòe là một dược liệu quý, chữa được nhiều bệnh khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những tác dụng của hoa hòe và những bài thuốc quý từ dược liệu này.

1. Đặc điểm của hoa hòe

Hoa hòe hay cây hòe (có tên khoa học là Sophora japonica) là loài thực vật thuộc họ Đậu. Loài cây này được trồng từ lâu đời dùng để làm cây cảnh, cây thuốc ở nước ta và một số nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc hay một số vùng Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, cây hoa hòe được trồng nhiều ở Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng và Nghệ An. Gần đây, nó cũng được trồng nhiều ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

kham-pha-nhung-tac-dung-cua-hoa-hoe-trong-phong-va-chua-benh-voh

Nụ hoa hòe là bộ phận được sử dụng phổ biến nhất trong cây hoa hòe (Nguồn: Internet)

Hòe là cây gỗ to, mọc ở nhiều nơi. Cây cao 5 – 7m, có khi đến 10m, thân hơi vặn, gốc xù xì, vỏ cây hơi thô, nứt dọc, nội bì màu vàng tươi, có mùi hôi. Cụm hoa ở đầu cành, hoa nhỏ hình bướm, màu trắng hay vàng nhạt, đài hình chuông. Quả loại đậu, hình tràng hạt, thắt lại không đều giữa các hạt. Mỗi quả có 2 – 5 hạt, hình bầu dục hơi dẹt, màu đen bóng.

Bộ phận thường sử dụng là nụ hoa hòe và quả hòe.

2. Hoa hòe có tác dụng gì?

Trong Đông y, hoa hòe có vị đắng, tính bình, quả có vị đắng tính hàn. Nụ hoa hòe chủ yếu chứa rutin (vitamin P), nụ hoa hòe ở Việt Nam đạt khoảng 30% rutin. Ngoài ra, nụ hoa hòe còn có saponin triterpen, flavonoid,…Trong dầu hoa hòe có acid lauric, acid dodecenoic,…

Qua các công trình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy tác dụng hoa hòe rất hữu ích trong việc điều trị cũng như kiểm soát một số bệnh lý. Cụ thể, công dụng của hoa hòe có thể kể như:

  • Hoa hòe có tác dụng kháng khuẩn.
  • Hoa hòe có tác dụng ngưng huyết cầm máu.
  • Hoạt chất rutin từ hoa hòe giúp giảm tính thẩm thấu của mao mạch, tăng cường sức chịu đựng của mao mạch nên có tác dụng cầm máu rất tốt trong các trường hợp chảy máu cam, đại tiện ra máu, ho ra máu,…
  • Tăng trương lực tĩnh mạch, củng cố sức bền thành mạch, hạn chế sự suy tĩnh mạch ở người cao tuổi.
  • Rutin trong nụ hoa hòe có tác dụng hạ huyết áp phòng ngừa xuất huyết não.
  • Chữa thần kinh suy nhược, đầu óc choáng váng, khó ngủ.
  • Làm hạ cholesterol giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.
  • Làm giảm trương lực cơ trơn của đại tràng, chống co thắt, thường dùng cho bệnh nhân bị trĩ chảy máu, băng huyết.

3. Một số bài thuốc chữa bệnh từ hoa hòe

kham-pha-nhung-tac-dung-cua-hoa-hoe-trong-phong-va-chua-benh-voh

Nụ hoa hòe khô sắc lấy nước uống giúp thanh nhiệt, làm mát (Nguồn: Internet)

  • Phòng và điều trị xơ cứng mạch máu: Dùng 15g hoa hòe sắc nước uống thay trà.
  • Trị khạc ra máu, ho ra máu: Dùng 15g hoa hòe, 18g tiên hạc thảo, 30g bạch mao căn, 20g trắc bách diệp. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
  • Chữa bệnh trĩ, đại tiện ra máu: 15g hoa hòe, 20g địa du. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
  • Chữa huyết áp tăng, thần kinh suy nhược, khó ngủ: Dùng hòe hoa và hạt muồng mỗi thứ bằng nhau sao kỹ tán bột, mỗi lần uống 5g, 3-4 lần/ngày hoặc dùng riêng mỗi vị 10g hãm uống thay chè.
  • Chữa sốt xuất huyết khi sốt đã lui mà còn xuất huyết nhẹ, chảy máu dưới da hoặc trẻ em hay bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng, khó ngủ cũng dùng hòe hoa và hạt muồng sao tán bột ngày dùng 10 - 20g hoặc sắc quả hòe 10g uống.
  • Chữa trị sưng đau: Quả hòe phối hợp với khổ sâm lượng bằng nhau nghiền thành bột hòa với nước bôi ngoài.

Ngoài các bài thuốc trên bạn cũng có thể dùng nụ của hoa hòe sao vàng lên và pha trà uống. Trà hoa hòe có tác dụng thanh nhiệt, làm mát và tăng cường hiệu quả bảo vệ sức khỏe.

Lưu ý: Trước khi sử dụng các bài thuốc này bạn nên tham khảo ý kiến của lương y, thầy thuốc.