Tác dụng phụ của vắc xin Covid-19 có đáng lo ngại?

(VOH) - Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định vắc xin Covid-19 an toàn và tiêm vắc xin sẽ giúp bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh Covid-19 nghiêm trọng và tử vong.

Giống như bất kỳ loại vắc xin nào, vắc xin Covid-19 có thể gây ra các phản ứng phụ, hầu hết đều ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và tự biến mất trong vài ngày.

Theo kết quả của các thử nghiệm lâm sàng, các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài có thể xảy ra. Việc tiêm vắc xin phải được giám sát liên tục để phát hiện các tác dụng phụ.

Xem thêm: WHO không ủng hộ việc yêu cầu người dân xuất trình 'hộ chiếu vắc-xin' khi đi du lịch

Các tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin Covid-19

Một người sau khi tiêm vắc xin có thể gặp một số tác dụng phụ nhẹ, đó là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang được bảo vệ.

Các tác dụng phụ được báo cáo của vắc xin Covid-19 hầu hết đều ở mức độ nhẹ đến trung bình và không còn kéo dài sau vài ngày. Các tác dụng phụ điển hình bao gồm đau tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh và tiêu chảy. Khả năng xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi tiêm là khác nhau tùy theo loại vắc xin cụ thể.

Theo đó, sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm được yêu cầu ở lại 15 - 30 phút tại điểm tiêm chủng để nhân viên y tế có mặt ngay lập tức trong trường hợp có bất kỳ phản ứng tức thời nào.

Người được tiêm vắc xin phải thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ y tế địa phương nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn hoặc các sự cố sức khỏe khác - chẳng hạn như tác dụng phụ kéo dài hơn 3 ngày.

Các phản ứng phụ ít gặp hơn được báo cáo đối với một số vắc xin Covid-19 bao gồm các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như phản vệ; tuy nhiên, phản ứng này cực kỳ hiếm. 

 vắc xin Covid-19, covid-19
Bộ Y tế các nước và Tổ chức Y tế Thế giới vẫn đang theo dõi chặt chẽ mọi tác dụng phụ không mong muốn sau khi sử dụng vắc xin Covid-19.

Tại sao bị tác dụng phụ nhẹ sau tiêm vắc xin là điều bình thường?

Thuốc chủng ngừa được thiết kế để cung cấp cho bạn khả năng miễn dịch, nhờ đó không có nguy cơ mắc bệnh. Một người sau khi tiêm vắc xin sẽ thường bị một số tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình.

Điều này là do hệ thống miễn dịch đang hướng dẫn cơ thể phản ứng lại theo những cách nhất định: làm tăng lưu lượng máu để các tế bào miễn dịch có thể lưu thông nhiều hơn và làm tăng nhiệt độ cơ thể để tiêu diệt vi rút. 

Các tác dụng phụ thường ở mức độ nhẹ đến trung bình, như sốt nhẹ hoặc đau nhức cơ, là bình thường và không phải là dấu hiệu đáng báo động. Các tác dụng phụ này là những dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của cơ thể đang phản ứng với vắc xin, cụ thể là kháng nguyên (một chất kích hoạt đáp ứng miễn dịch), và đang chuẩn bị để chống lại vi rút. Các tác dụng phụ này thường tự biến mất sau vài ngày.

Tuy nhiên, không gặp tác dụng phụ thì không có nghĩa là vắc xin không hiệu quả. Nói cách khác, mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau sau khi tiêm vắc xin.

Tại sao sau khi tiêm vắc xin Covid-19 vẫn bị nhiễm bệnh?

Các tác dụng phụ thường xảy ra trong vài ngày đầu tiên sau khi chủng ngừa. Kể từ khi chương trình tiêm chủng Covid-19 đại trà đầu tiên bắt đầu vào đầu tháng 12/2020, hàng trăm triệu liều vắc xin đã được tiêm.

Đã có những lo ngại về vắc xin Covid-19 sẽ làm cho con người bị nhiễm bệnh với vi rút gây bệnh Covid-19. Nhưng không có vắc xin nào được phê duyệt có chứa vi rút sống gây ra bệnh Covid-19, có nghĩa là vắc xin Covid-19 không thể làm cho con người bị nhiễm Covid-19.

Sau khi tiêm vắc xin, thường mất vài tuần để cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch chống lại vi rút SARS-CoV-2. Vì vậy, một người có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 ngay trước hoặc sau khi tiêm vắc xin và mắc bệnh Covid-19 là hoàn toàn có thể xảy ra do vắc xin vẫn chưa có đủ thời gian để bảo vệ cơ thể.

Sáng 22/4, Bộ Y tế cho biết đến nay đã có gần 109.000 người Việt Nam tiêm vắc xin phòng Covid-19. Các địa phương đang tích cực triển khai tiêm đợt 2. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận tai biến nặng sau tiêm vắc xin Covid-19, chỉ có một vài ca ghi nhận phản ứng sốc phản vệ nhưng đều xử trí rất tốt. Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất.

Đến nay tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại 27 tỉnh/TP cho 108.897 người người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương, các lực lượng công an, quân đội.

Riêng trong ngày 21/4 có thêm 1.968 người được tiêm chủng vắc xin Covid-19.

* Tài liệu tham khảo: “Side Effects of COVID-19 Vaccines” - www.who.int, 31/3/2021