Chờ...

Các phương pháp tán sỏi thận hiện nay

(VOH) - Tán sỏi thận là một phương pháp chữa sỏi thận hiệu quả, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về phương pháp này. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tán sỏi thận là gì?

Sỏi thận là bệnh đường tiết niệu thường gặp, là tình trạng những tinh thể rắn hình thành trong thận từ các chất trong nước tiểu. Sỏi thận không được điều trị sớm sẽ ngày càng tăng kích thước, khi đó sẽ gây đau đớn và tổn thương niệu quản, bàng quang,…Hiện nay có nhiều phương pháp chữa sỏi thận hiệu quả, trong đó có phương pháp tán sỏi thận.

cac-phuong-phap-tan-soi-than-hien-nay-voh-1

Sỏi thận điều trị kịp thời để tránh sỏi tăng kích thước (Nguồn: Internet)

Tán sỏi thận là gì?

Tán sỏi thận là một phương pháp chữa sỏi thận ít xâm lấn, sử dụng các kĩ thuật hiện đại để phá vỡ viên sỏi thành những viên sỏi có kích thước nhỏ. Sau đó, sỏi được đẩy ra ngoài nhờ các thuốc điều trị sỏi thận.

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp tán sỏi thận được áp dụng tại các cơ sở y tế nhằm điều trị hiệu quả bệnh sỏi thận cho bệnh nhân.

Sỏi thận 10mm có nguy hiểm không? Khi nào cần mổ sỏi thận?: ( VOH ) - Một trong những căn cứ để các bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị sỏi thận là kích thước của viên sỏi. Vậy khi sỏi thận 10mm thì có cần phải mổ không ?

1. Các phương pháp tán sỏi thận

1.1 Tán sỏi thận qua da

Tán sỏi thận qua da là kỹ thuật tạo một đường hầm nhỏ khoảng 6 – 10mm, đường hầm này chạy từ ngoài da đi vào trong thận hoặc vị trí có sỏi. Sau đó sử dụng laser phá vỡ sỏi và hút sỏi nhỏ, vụn sỏi ra ngoài.

Tán sỏi thận qua da được áp dụng cho các trường hợp sỏi bể và đài thận, ít khi áp dụng sỏi ở niệu quản gần sát với bể thận. Phương pháp này ưu tiên cho trường hợp sỏi phức tạp, có kết hợp với dị dạng đường niệu như hẹp cổ đài hay hẹp khúc nối bể thận niệu quản. 

Ưu điểm:

  • Phương pháp này có thể lấy toàn bộ viên sỏi sau một lần can thiệp.
  • Áp dụng được với những viên sỏi có kích thước to.

Nhược điểm:

  • Đường hầm để cho ống nội soi xuyên vào vị trí sỏi có thể bị nhiễm trùng sau mổ.
  • Quá trình tán sỏi thận kéo dài, có thể làm mất máu. 
  • Tán sỏi thận qua da có thể để lại sẹo sau phẫu thuật.
  • Chi phí điều trị khá cao.
  • Người bệnh phải nằm viện khoảng 3 – 5 ngày để theo dõi.

1.2 Tán sỏi thận ngoài cơ thể

Tán sỏi thận ngoài cơ thể là phương pháp sử dụng sóng xung kích hội tụ tập trung vào viên sỏi để phá vỡ cấu trúc sỏi. Trong khoảng thời gian từ 7 – 15 ngày, các mảnh sỏi vụn sẽ tự thoát ra ngoài qua niệu quản, xuống bàng quang và theo đường tiểu ra ngoài. 

Nguyên lý của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể là dùng loại sóng xung, năng lượng của sóng xung gây vỡ sỏi thành các mảnh vụn, sau đó các mảnh sỏi vụn được đào thải ra ngoài theo đường tiểu tự nhiên.

Quy trình thực hiện:

  • Người bệnh nằm trên máy tán sỏi, bác sĩ tiến hành tiền mê giảm đau. Phần lưng tương ứng với vị trí của sỏi được đặt tiếp xúc với bóng của nguồn phát sóng xung kích. 
  • Với định vị của X-quang, bác sĩ điều khiển sóng xung kích hội tụ chính xác vào viên sỏi và phát xung để tán sỏi. 
  • Trung bình mỗi liệu trình điều trị thường sử dụng không quá 3.000 nhịp sóng xung kích để đảm bảo an toàn tối đa cho nhu mô thận nhưng đồng thời tán vỡ được sỏi. Trong quá trình tán sỏi, sỏi luôn di động theo nhịp thở, do vậy nếu không giữ được nhịp thở sâu và đều thì số lần sóng xung kích không trúng vào sỏi sẽ tăng lên, kéo theo hiệu quả vỡ sỏi giảm đi. 

Ưu điểm:

  • Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị tốt nhất với những trường hợp sỏi có kích thước dưới hoặc bằng 2cm. 

Nhược điểm:

  • Không hiệu quả đối với sỏi rắn (sỏi oxalat canxi 1 phân tử nước), sỏi cystin.
  • Đối với sỏi lớn hơn 2cm thì hiệu quả kém hơn. Những trường hợp sỏi lớn hơn cần cân nhắc cụ thể từng trường hợp, dựa vào mức độ cản quang, diện tích bề mặt sỏi, vị trí sỏi trong thận hay số lượng sỏi…Trong những trường hợp này, thường kết hợp tán sỏi ngoài cơ thể với tán sỏi thận qua da để tăng hiệu quả.
  • Khi không hiệu quả, người bệnh phải tán lại 2 hoặc nhiều lần, điều này gây bất tiện cho bệnh nhân về chi phí, thời gian và sức khỏe. 

Xem thêm: Top 5 cách ‘đánh tan’ sỏi thận tại nhà cực hay, nhiều người đã áp dụng hiệu quả

1.3 Tán sỏi thận qua nội soi niệu quản ngược dòng

Tán sỏi qua nội soi niệu quản là kỹ thuật sử dụng ống nội soi niệu quản đi từ niệu đạo, qua bàng quang và lên niệu quản để tiếp cận trực tiếp viên sỏi. Sau đó, sử dụng năng lượng khí nén hoặc laser để phá vụn viên sỏi, sau đó bơm rửa và gắp để lấy hết sỏi ra ngoài.

Nếu nội soi niệu quản sử dụng ống soi mềm thì tán được sỏi niệu quản 1/3 trên và sỏi trong thận.

Ưu điểm:

  • Tán được mọi loại sỏi có kích thước dưới 20mm, bao gồm sỏi san hô. 
  • Phương pháp đơn giản, bệnh nhân có thể ra viện sau 12 – 24 giờ theo dõi.

Nhược điểm:

  • Không áp dụng với những bệnh nhân hẹp niệu đạo hoặc đường niệu đang bị viêm nhiễm.
  • Có nguy cơ gây biến chứng như thủng niệu quản (do đốt laser nhầm vị trí hoặc bị lan), không được đặt ống nội soi để tiếp cận được vị trí có sỏi,…
  • Chi phí tán sỏi cao.

1.4 Nội soi lấy sỏi

Nội soi lấy sỏi là phương pháp dùng nội soi qua phúc mạc hay sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản hay sỏi thận. Khi mới triển khai, các phẫu thuật viên ưu tiên đi trong phúc mạc nhưng gần đây chỉ phẫu thuật theo đường sau phúc mạc để tránh phải đi vào trong bụng.

Ưu điểm:

  • Áp dụng cho sỏi niệu quản đoạn trên và sỏi bể thận.

Nhược điểm:

  • Với sự phát triển của nội soi niệu quản tán sỏi bằng laser với ống soi bán cứng hoặc ống soi mềm nên chỉ định phương pháp này ngày càng bị thu hẹp.

Như vậy, có khá nhiều phương pháp tán sỏi thận giúp chữa bệnh sỏi thận ít xâm lấn. Mỗi phương pháp sẽ có ưu và nhược điểm riêng, tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể, vị trí, kích thước viên sỏi mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp tán sỏi thận thích hợp.

cac-phuong-phap-tan-soi-than-hien-nay-voh-2

Tùy vào mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp tán sỏi thận thích hợp (Nguồn: Internet)

2. Tán sỏi thận ở đâu tốt nhất?

Để đảm bảo an toàn, điều trị sỏi thận hiệu quả và hạn chế tối đa các biến chứng trong và sau khi tán sỏi thận thì bạn nên lựa chọn những cơ sở y tế đáng tin cậy, được Bộ Y tế cấp phép thực hiện phương pháp này và cơ sở đó phải có đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên phẫu thuật có trình độ và tay nghề cao, thiết bị máy móc đầy đủ và đảm bảo vô trùng trước, trong và sau phẫu thuật. 

Dưới đây là một số gợi ý về những cơ sở y tế mà bạn có thể thực hiện tán sỏi thận tại TPHCM:

  • Khoa tiết niệu – Bệnh viện Chợ Rẫy

Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa trung ương cấp quốc gia, phục vụ toàn miền Nam. Bệnh viện được xây dựng với nhiều tòa nhà cao tầng, được trang bị các thiết bị y tế tiên tiến, phục vụ nhiều khoa lâm sàng và cận lâm sàng cùng với nhiều khoa khác.

Để thực hiện tán sỏi thận bạn có thể đến khoa Tiết niệu – Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, 12, Quận 5, TP.HCM.

  • Khoa Tiết niệu – Bệnh viện Bình Dân

Bệnh viện Bình Dân là bệnh viện tuyến trung ương về cả phẫu thuật tổng quát và niệu khoa với các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại.

Khoa Tiết niệu tập trung vào triển khai và ứng dụng các phương pháp điều trị không xâm lấn và xâm lấn tối thiểu điển hình như can thiệp nội soi, phẫu thuật nội soi ứng dụng robot…với mục đích đưa chất lượng sống của người bệnh sau phẫu thuật lên hàng đầu.

Địa chỉ:

  • Trụ sở chính: 371 Điện Biên Phủ – Phường 4 – Quận 3 – TP.HCM
  • Khu kỹ thuật cao: 408 Điện Biên Phủ – Phường 11 – Quận 10 – TP.HCM

2.1 Tán sỏi thận mất bao lâu?

Thời gian tán sỏi thận mất bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Phương pháp tán sỏi thận;
  • Máy móc thực hiện;
  • Trình độ tay nghề của bác sĩ, kỹ thuật viên; 
  • Vị trí, kích thước sỏi thận to hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp.
  • Thể trạng sức khỏe của người bệnh.

Vì vậy, không thể đưa ra con số cụ thể về thời gian tán sỏi thận mất bao lâu.

2.2 Sau khi tán sỏi thận nên ăn gì?

Để sớm phục hồi sức khỏe và ngăn ngừa sỏi thận tái phát thì sau khi tán sỏi thận người bệnh nên ưu tiên ăn những thức ăn sau đây:

  • Chế độ ăn dễ tiêu hoá giúp bệnh nhân nhanh hấp thu để hồi phục sức khỏe, liền các tổn thương niêm mạc – thành niệu quản. Các thực phẩm giúp dễ tiêu hóa gồm rau lang, rau mồng tơi, khoai lang, rau đay, rau nhiếp cá, đậu phụ, chuối, súp lơ,...
  • Chế độ ăn và uống lợi tiểu sẽ có tác dụng bài xuất các mảnh sỏi vụn, các nhân sỏi nhỏ, dịch máu, cặn máu,...Các thực phẩm giúp lợi tiểu gồm rau cần tây, nước cam hoặc chanh, rau cải, củ cải đường, nước ngô non luộc hoặc nước râu ngô, nước đậu đen (không đường hoặc ít đường)...
  • Uống nhiều nước và không nhịn tiểu. Có thể bổ sung nước bột sắn dây, nước hạt đậu đen, hay nước trái cây loại mát, có thể giúp đào thải canxi.

Như vậy, tán sỏi thận là một phương pháp điều trị sỏi thận tiên tiến và mang lại những hiệu quả nhất định. Những thông tin về phương pháp tán sỏi thận trên chỉ mang tính chất tham khảo kiến thức, để được chỉ định phương pháp tán sỏi thận thích hợp thì người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị.