Trong số người nhiễm HIV được báo cáo, TPHCM là thành phố có số ca nhiễm HIV cao nhất nước. Ước tính có khoảng 5.000 người nhiễm chưa được phát hiện trong cộng đồng, trong đó có 30% số người có tải lượng virus cao.
Mỗi năm Thành phố phát hiện người nhiễm mới HIV khoảng 5.500 người.
Theo thống kê, nguồn lây nhiễm tập trung trên nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Nếu năm 2010, nhóm này có tỷ lệ 1,7% thì trong vòng 6 tháng qua đã tăng lên 84%.
Do đó “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”, là cơ hội để cả nước nhìn lại 30 năm ứng phó với đại dịch trong đó có TPHCM.
VOH trao đổi với Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phạm Đức Mạnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
*VOH: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả cơ bản của TPHCM trong 30 năm ứng phó với HIV/AIDS kể từ khi phát hiện người đầu tiên trên địa bàn nhiễm HIV?
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phạm Đức Mạnh: Trước tiên phải đánh giá rằng công tác phòng chống HIV/AIDS của TPHCM thành công chính là sự thành công trên toàn quốc.
Thứ nhất là TPHCM đã huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia vào công tác phòng chống AIDS, đặc biệt là sự tham gia của người nhiễm HIV và người có nguy cơ cao đồng hành suốt 30 năm qua.
Thứ hai là tổ chức tốt các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước trong công tác phòng chống HIV/AIDS.
Thứ ba là TPHCM luôn đi tiên phong trong các sáng kiến cung cấp các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV.
Thứ tư là tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ kể cả kỹ thuật, tài chính của các tổ chức quốc tế và đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.
Bước đầu làm giảm lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy thông qua các chương trình bơm kim tiêm và điều trị thay thế bằng Methadone đã làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm.
Ví dụ năm 2020, số người nhiễm mới HIV thì TPHCM chiếm 26%. Vì vậy công tác phòng chống AIDS của TPHCM đạt hiệu quả thì cả nước sẽ đạt hiệu quả.
*VOH: Những kinh nghiệm rút ra sau hơn 30 năm ứng phó với HIV/AIDS của TPHCM là gì, thưa ông?
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phạm Đức Mạnh: Kinh nghiệm rút ra từ công tác phòng chống AIDS của TPHCM là phải có chính sách và chiến lược đúng, trúng đối với từng đối tượng đặc thù.
TPHCM đã đưa ra 4 giai đoạn với những mô hình, hoạt động phù hợp với từng giai đoạn.
Ví dụ như giai đoạn kiềm chế dịch HIV/AIDS với những sáng kiến mở rộng các mô hình mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng, cơ sở y tế và tự xét nghiệm.
Chúng ta đã biết, muốn ngăn chặn đại dịch thì phải biết nguồn lây và để tìm nguồn lây thì phải xét nghiệm để tìm F0; Tìm đối tượng tiếp xúc và có nguy cơ lây nhiễm HIV từ đối tượng nguồn.
Đồng thời phải có sự chỉ đạo sát sao của Đảng và các cấp lãnh đạo từ chính quyền TP đến quận, huyện, xã phường.
Vai trò của mạng lưới người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia vào công tác phòng chống AIDS là cực kỳ quan trọng. Họ là những "hạt giống" tích cực kết nối người nhiễm HIV đến các dịch vụ dự phòng và điều trị như chương trình “Bao cao su”, chương trình “Bơm kim tiêm”...
Nếu họ là người nghiện, chích ma túy thì tham gia điều trị Methadone. Nếu đối tượng quan hệ tình dục khác giới thì phải sử dụng bao cao su và điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus để ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong nhóm này.
Đó là huy động nguồn lực từ tất cả tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, cũng như các nước phát triển và TPHCM đã sử dụng và điều phối nguồn lực đó cực kỳ hiệu quả, mang lại thành quả như hôm nay.
Đồng thời, chúng ta muốn làm tốt thì phải tổ chức được đội ngũ con người từ cấp TP đến quận, huyện, xã, phường và trong từng giai đoạn, TP đã thiết lập ủy ban thường trực, trực tiếp do Ủy ban nhân dân TP chỉ đạo, sau đó là Trung tâm Phòng chống AIDS do Sở y tế chỉ đạo và nay là Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Như vậy là phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của ngành y tế từ Trung Ương đến địa phương.
Cuối cùng là TP luôn luôn ứng dụng và đổi mới những kỹ thuật tốt nhất để tiếp cận và tìm được các nguồn lây để điều trị ngay trong ngày để làm cho tỷ lệ virus trong máu giảm xuống đến mức không phát hiện và không lây truyền khi quan hệ tình dục với người khác.
*VOH: Thưa ông, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt về Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn mới, trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. TPHCM cần làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này?
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phạm Đức Mạnh: Muốn chỉ đạo thành công thì chiến lược quốc gia phòng chống AIDS đã đưa ra được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong đó quy định các biện pháp, chính sách để đạt mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 theo Nghị quyết 20 của TW Đảng Khóa 12.
Liên quan đến chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2020 với 3 mục tiêu “90-90-90”, muốn đạt được như vậy thì chúng ta phải mở rộng các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS và tăng cường tìm các ca mới như trong cách phòng chống dịch bệnh, phải truy vết và tìm ra F0 để ngăn ngừa nguồn lây ra cộng đồng. Tìm ra thì phải điều trị sớm để làm ức chế virus trong cơ thể không để lây truyền trong cộng đồng.
Thứ hai là đẩy mạnh các hoạt động chống kỳ thị phân biệt đối xử. Đảm bảo thông tin của người nhiễm không bị lộ ra để người nhiễm tự tin tham gia công tác phòng chống AIDS và đưa ra các hoạt động cho nhóm có nguy cơ cao để phòng ngừa lây nhiễm.
Thứ ba là tiếp tục duy trì và mở rộng các biện pháp dự phòng và phát huy hiệu quả các điều trị dự phòng như Methadone và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng PrEP. Đây là hoạt động quan trọng mà TPHCM đề ra trong giai đoạn 2020 – 2030.
Liên quan đến tư vấn, điều trị và mở rộng xét nghiệm HIV cho nhóm có nguy cơ cao, bạn tình, bạn chích, cần truy vết các trường hợp điều trị thất bại và bỏ trị. Các đối tượng này có lượng virus trong cơ thể rất cao, gây nguy hiểm cho cộng đồng và chúng ta phải khoanh vùng, đưa những đối tượng này vào điều trị và đổi phác đồ điều trị để ức chế tỷ lệ nhiễm.
*VOH: Cám ơn ông!