Chờ...

TPHCM – Truy vết người nhiễm để tiến tới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030

(VOH) - Sáng nay (14/01), Sở Y tế TPHCM tổ chức hội nghị Tổng kết hành trình 30 năm phòng chống HIV/AIDS và cơ hội kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 tại TPHCM.

Kể từ trường hợp người nhiễm HIV đầu tiên tại TPHCM vào năm 1990, cho đến nay cả nước có hơn 320.000 người nhiễm HIV, trong đó có 107.000 người nhiễm HIV đã mất do AIDS. Trong số người nhiễm HIV được báo cáo, TPHCM có người nhiễm HIV cao nhất nước. Ước tính có khoảng 5.000 người nhiễm chưa được phát hiện trong cộng đồng, trong đó có 30% số người có tải lượng virus cao. Mỗi năm Thành phố phát hiện người nhiễm mới HIV khoảng 5.500 người. Nguồn lây nhiễm tập trung trên nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), năm 2010  có tỷ lệ 1,7% thì trong vòng 6 tháng qua đã tăng lên 84% trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nhiễm mới HIV.

đại dịch HIV/AIDS, ngày 14 tháng 1 năm 2021
Gian hàng tư vấn, xét nghiệm và giới thiệu các dịch vụ xét nghiệm nhanh HIV

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng, chiến lược của TPHCM để tiến tới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 là  sẽ tập trung vào nhóm MSM này cũng như triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và mục tiêu 99-99-99 vào năm 2030 nhằm kết thúc đại dịch AIDS. Tuy nhiên, để tiếp tục giữ vững được thành quả phòng, chống HIV/AIDS, hướng đến kết thúc đại dịch vào năm 2030, cần phải có sự tham gia tích cực, quyết tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện các cam kết hành động phòng, chống HIV/AIDS: "Nếu mình không giải quyết triệt để 30% này thì nguy cơ lây lan rất lớn. Bây giờ tập trung vào những nhóm nguy cơ cao tức là nằm trong 30% thì mình chặt đứt chuỗi lây truyền bằng cách phải điều tra, tức là truy vết những người F1 là những bạn tình, bạn chích, trên cơ sở đó mình tư vấn, xét nghiệm, nếu dương thì đưa vào điều trị".

Theo Bác sĩ Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y Tế Công Cộng TPHCM thì, cần tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao, chặt đứt chuỗi lây nhiễm bằng các biện pháp truy vết như Covid-19 để tiến tới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. "Những người MSM, những người sử dụng ma túy thường có những hoạt động nhóm. Chúng ta phát hiện ra những người trong một nhóm nào đó để chúng ta truyền thông, tư vấn, xét nghiệm. Nếu người nào nhiễm thì chúng ta điều trị, người chưa bị nhiễm cũng đưa vào dự phòng để không bị nhiễm", bác sĩ Trường Giang nói.

Báo cáo tại hội nghị, Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, từ tháng 12 năm 1990, trường hợp nhiễm HIV của Việt Nam được phát hiện đầu tiên tại TPHCM, đến nay cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS tại thành phố đã trải qua 3 giai đoạn cam go: Cụ thể, từ năm 1990 - 2000, thành phố kiềm chế tốc độ phát triển của đại dịch với các hoạt động truyền thông giáo dục nhằm nâng cao kiến thức của người dân để tự bảo vệ mình trước hiểm họa của đại dịch; xây dựng các mô hình dự phòng lây nhiễm HIV. Kết quả đã giảm tỷ lệ nhiễm HIV trên nhóm nghiện chích ma tuý từ 42,3% (1995) xuống còn 18,6% (1998).

Giai đoạn từ năm 2000-2010 với các mô hình dự phòng lây nhiễm HIV được chấp nhận và từng bước mở rộng trên toàn thành phố, thuốc kháng vi rút HIV (ARV) được đưa vào sử dụng cho bệnh nhân AIDS, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố mở rộng các chương trình dự phòng và chăm sóc điều trị. Đến nay đã có 145 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV;  24 cơ sở điều trị Methadone, điều trị cho khoảng 5.400 bệnh nhân. Ngoài ra còn có chương trình chăm sóc hỗ trợ người tái hoà nhập cộng đồng, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con…

Giai đoạn 3 là từ 2010-2020 thực hiện kiểm soát đại dịch với nhiều chiến lược như triển khai điều trị ngay khi có kết quả xét nghiệm, đột phá về chính sách và công nghệ xét nghiệm HIV; triển khai điều trị ARV cho người nhiễm HIV... "Phải có những biện pháp hết sức tinh tế, hài hòa để làm sao các nhóm đối tượng này hiểu phối hợp với các ban ngành, các tổ chức cộng đồng với ngành y tế để tự nguyện tham gia vào hoạt động xét nghiệm, thậm chí tự xét nghiệm để xem mình có nhiễm HIV hay không. Trên cơ sở đó chúng ta tổ chức điều trị, cắt đứt nguồn lây. Truy vết những trường hợp tiếp xúc như bạn tình để chúng ta cắt đứt nguồn lây nhiễm giống như kiểm soát Covid-19", bác sỹ Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh

Tại hội nghị, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Đức Mạnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế yêu cầu TPHCM thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới như sau: "Phải mở rộng các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, tăng cường tìm người nhiễm mới, phải truy vết và tìm ra F0 để ngăn ngừa các nguồn lây ra cộng đồng và điều trị sớm để ức chế con virus trong cơ thể người nhiễm. Đẩy mạnh các hoạt động chống kỳ thị phân biệt đối xử. Đảm bảo thông tin bí mật cho người nhiễm để họ tự tin tham gia công tác phòng chống AIDS. Tiếp tục duy trì và mở rộng các biện pháp dự phòng như Methadone và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng PREP, đây là hoạt động quan trọng trong giai đoạn tới".