Tăng tiểu cầu có nguy hiểm không?

(VOH) - Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, nhưng nếu tiểu cầu quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Vậy tình trạng tăng tiểu cầu nguy hiểm như thế nào và làm sao để khắc phục?

1. Tăng tiểu cầu là gì?

Tăng tiểu cầu là một rối loạn, trong đó cơ thể sản xuất tiểu cầu trong máu quá nhiều (thrombocytes). Tiểu cầu là các tế bào máu trong huyết tương, có tác dụng làm ngưng chảy máu bằng cách dính vào nhau để tạo thành cục máu đông. Quá nhiều tiểu cầu có thể dẫn đến một số tình trạng nhất định.

Có 2 loại tăng tiểu cầu gồm:

  • Tăng tiểu cầu nguyên phát: Tình trạng này thường do rối loạn các mô xương gây ra. Khi đó, tủy xương sản xuất quá nhiều tiểu cầu rồi đưa vào máu, dẫn đến chứng tiểu cầu tăng cao. Nguyên nhân tăng tiểu cầu nguyên phát không rõ ràng, có thể do yếu tố di truyền.
  • Tăng tiểu cầu thứ phát: Là kết quả của phản ứng cơ thể trước những biến cố như chảy máu, thiếu máu, dị ứng, ung thư, nhiễm trùng,…Bệnh tăng tiểu cầu thứ phát nếu để lâu ngày có thể gây ra các bệnh lý liên quan đến động mạch.

tang-tieu-cau-co-nguy-hiem-khong-voh-1

Tăng tiểu cầu là tình trạng tiểu cầu trong máu vượt quá mức cho phép (Nguồn: Internet)

Một người khỏe mạnh bình thường số lượng tiểu cầu khoảng từ 150.000 đến 450.000/mm3 (hoặc microlitre). Giới hạn này có thể chênh lệch trên dưới  2.5 phần trăm mà không có bệnh thực thể. Tuy nhiên, số lượng hơn 600.000 (và đặc biệt là hơn một triệu) là nghiêm trọng cần xác định nguyên nhân và can thiệp.

2. Tăng tiểu cầu có nguy hiểm không?

Tăng tiểu cầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở độ tuổi từ 50 - 70 với các triệu chứng ở mức độ nhẹ hay không có triệu chứng.

Các triệu chứng tăng tiểu cầu phổ biến nhất liên quan đến huyết khối và xuất huyết. Đó là cảm giác yếu mệt, chảy máu, nhức đầu, tê bàn tay và bàn chân. Ngoài ra, nguy cơ lớn nhất của tăng tiểu cầu nguyên phát là hình thành cục máu đông ở các vị trí khác nhau, nếu ở não có thể gây đột quỵ trong những trường hợp nghiêm trọng.

Ngoài ra, quá nhiều tiểu cầu có thể dẫn đến tình trạng đau tim hoặc cục máu đông trong mạch máu.

3. Điều trị tăng tiểu cầu bằng cách nào?

Điều trị tăng tiểu cầu phản ứng dựa vào các nguyên nhân cơ bản. Trong hầu hết các trường hợp, số lượng tiểu cầu sẽ trở lại bình thường sau khi nguyên nhân cơ bản được giải quyết.

Trong một số trường hợp, người bệnh cần uống aspirin liều thấp để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ hay huyết khối. Số lượng tiểu cầu rất cao cần điều trị với hydroxyurea hoặc anagrelide (Agrylin).

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân phải cắt lá lách thì bệnh tăng tiểu cầu sẽ diễn ra suốt đời.

Tăng tiểu cầu có nguy hiểm không? 2

Bị tăng tiểu cầu cần tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị của bác sĩ (Nguồn: Internet)

4. Sống chung với tình trạng tăng tiểu cầu

Nếu bị tăng tiểu cầu nguyên hay thứ phát, cần chú ý đến những điều quan trọng sau đây:

  • Đi khám bệnh thường xuyên.
  • Ngưng hút thuốc lá và kiểm soát các yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol trong máu...
  • Theo dõi những dấu chứng của huyết khối và chảy máu và báo cáo ngay cho bác sĩ.
  • Dùng các loại thuốc men theo quy định.
  • Nếu đang dùng thuốc để giảm số lượng tiểu cầu, cần thông báo cho bác sĩ biết trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật, phẫu thuật hoặc can thiệp nha khoa nào. Những loại thuốc làm “loãng” máu có thể làm tăng chảy máu khi thực hiện các thủ thuật đó. Các loại thuốc làm “loãng” máu cũng có thể gây xuất huyết nội. Dấu hiệu của xuất huyết nội bao gồm các vết bầm tím, máu hoặc phân đen, nước tiểu màu hồng hoặc có máu, tăng chảy máu kinh nguyệt, chảy máu nướu răng và chảy máu cam. Liên hệ ngay với bác sĩ nếu có các dấu hiệu kể trên.
  • Tránh dùng các thuốc giảm đau bán tự do như ibuprofen (ngoại trừ paracetamol). Các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hoá nhưng lại hạn chế tác dụng của aspirin.