Thời gian gần đây, không chỉ riêng trường hợp này mà có rất nhiều thai phụ nguy kịch vì nhiễm Covid-19. Sau khi khai thác thông tin thì được biết, hầu hết thai phụ không tiêm ngừa vì sợ ảnh hưởng thai nhi.
Phó Giáo sư Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ, thai phụ nên thực hiện tiêm ngừa để bảo vệ bản thân mình và thai nhi trong bụng. Bởi vì có những trường hợp chuyển biến xấu quá nhanh, đôi khi mất cả mẹ lẫn con hậu quả để lại rất nặng nề!
Phóng viên Nhất Hương phỏng vấn Phó Giáo sư Hoàng Thị Diễm Tuyết xung quanh vấn đề này.
* VOH: Thưa bà, hai tuần trở lại đây, lượng F0 tăng trở lại. Công tác tiếp nhận, điều trị thai phụ nhiễm Covid-19 tại bệnh viện có xu hướng tăng hay không?
- Phó Giáo sư Hoàng Thị Diễm Tuyết: Sau ngày 1/10, Thành phố thực hiện theo Chỉ thị 18 một số hoạt động được nới lỏng ra để thích nghi với tình hình mới do vậy số lượng người nhiễm nói chung, cũng như thai phụ nhiễm Covid-19 có sự tăng nhẹ.
Cụ thể khoảng đầu thời điểm 1/10, số ca điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Hùng Vương khoảng tầm 30 đến 40 ca, nhưng hiện nay thì khoảng từ 40 đến 50 ca thai phụ nhiễm Covid-19.
* VOH: Vừa qua tại khoa K1 có điều trị một số trường hợp thai phụ nhiễm Covid-19 nguy kịch. Tình hình trở nặng hay nguy kịch của thai phụ là do nguyên nhân nào, thưa bà?
- Phó Giáo sư Hoàng Thị Diễm Tuyết: Tình hình các thai phụ nhiễm Covid-19 trở nặng tại Bệnh viện Hùng Vương trong thời gian qua - chúng tôi ghi nhận đa phần các thai phụ không được tiêm ngừa.
Một ngày thống kê nếu tiếp nhận 4 đến 5 ca nặng thì chỉ có 1 đến 2 ca có tiêm ngừa nhưng cũng tiêm chưa đầy đủ, chỉ tiêm 1 mũi hoặc tiêm mũi thứ 2 chưa đủ thời gian tạo miễn dịch. Việc trở nặng đối với những thai phụ như vậy rất nguy hiểm cho mẹ lẫn con.
Xem thêm: Cảnh báo tình trạng nhiều thai phụ nguy kịch do không tiêm ngừa Covid-19
* VOH: Thực tế khi không tiêm ngừa nhiễm Covid-19 thì thai phụ lẫn thai nhi phải đối mặt với những rủi ro như thế nào?
- Phó Giáo sư Hoàng Thị Diễm Tuyết: Việc tiêm ngừa hiện nay chúng ta thấy rất rõ lợi ích và hiệu quả. Ví dụ như thời điểm 1/10 Thành phố phủ được mũi 1 cho toàn dân với tỷ lệ 100% với những trường hợp đủ điều kiện tiêm, mũi 2 trên 80% thì từ mốc thời gian 1/10 về sau, chúng ta thấy rõ là số lượng nhiễm và số ca tử vong cũng giảm nhiều.
Tương tự từ ngày 12/8 khi Bộ Y tế cho phép tiêm ngừa những trường hợp mang thai thì chúng tôi thấy số ca nhiễm của thai phụ giảm đi rõ rệt so với đỉnh dịch, số nặng cũng giảm nhiều.
Nhưng thực tế đâu đó bệnh viện cũng nhận được những trường hợp thai phụ chưa từng được tiêm vắc xin, khi họ bị nhiễm Covid-19 thì trở nặng rất nhanh. Có khi trong một ngày phải chuyển việc hỗ trợ hô hấp từ thở oxy sâu sang thở máy xâm lấn, đe dọa luôn cả tính mạng em bé nếu không điều trị kịp thời.
Do vậy, các thai phụ khi mang thai cần phải quan tâm hơn đến tiêm ngừa Covid-19.
* VOH: Một số thai phụ không tiêm ngừa do có suy nghĩ tiêm ngừa ảnh hưởng đến thai nhi. Ý kiến của bà như thế nào về vấn đề này?
- Phó Giáo sư Hoàng Thị Diễm Tuyết: Điều này tôi rất chia sẻ với các chị em khi mang thai, đặc biệt với những thai kỳ quý hiếm như điều trị hiếm muộn hay thụ tinh trong ống nghiệm là bất cứ gì đưa vào cơ thể người mẹ trong giai đoạn mang thai đều hết sức cẩn thận vì khả năng mang thai của phụ nữ trong nhóm này giảm hơn so với người bình thường.
Vắc xin Covid-19 là loại vắc xin mới phát triển trong vòng một hai năm nay nên những nghiên cứu trên thế giới về tác dụng lâu dài của vắc xin mười hay hai mươi năm sau chúng ta không có. Nhưng những nghiên cứu ngắn hạn cho thấy tỷ lệ sinh non, sẩy thai, tỷ lệ thai bất thường, thai dị tật ở nhóm có tiêm vắc xin với nhóm không tiêm cũng tương đồng nhau, không có sự khác biệt.
Ở Mỹ người ta làm nghiên cứu với số lượng rất lớn về vấn đề này và sau đó cũng đã được cơ quan chức năng cho phép thực hiện tiêm ngừa cho phụ nữ mang thai. Các tổ chức, hiệp hội sản phụ khoa lớn trên thế giới cũng đã đưa vào hướng dẫn tiêm ngừa vắc xin cho thai phụ.
Lý do?
Vì cho dù chưa có những thông tin dài hạn về vắc xin Covid-19 nhưng đứng trước diễn tiến đại dịch Covid-19 thì tiêm ngừa vắc xin mang lại rất nhiều lợi ích cho thai phụ hơn là không tiêm. Ví dụ, tiêm ngừa vắc xin giúp thai phụ giảm nguy cơ nhiễm Covid-19, và nếu chẳng may nhiễm thì nó làm nhẹ đi, giảm tử vong cho mẹ và con.
Bên cạnh đó, thai phụ tiêm vắc xin trong quá trình mang thai khi sinh con ra và cho con bú kháng thể từ mẹ qua sẽ giúp bảo vệ em bé trong những giờ đầu sau sinh.
Chính vì vậy, trong đại dịch này đứng trên "bàn cân" lợi ích và nguy cơ thì rõ ràng thai phụ cần được tiêm ngừa sớm, tiếp cận vắc xin sớm để giúp chính bản thân vượt qua đại dịch và bảo vệ đứa con trong bụng của mình.
* VOH: Cảm ơn bà !