Chờ...

Thận trọng với tác dụng phụ của lá neem

(VOH) - Lá neem có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, nó vẫn tiềm ẩn những tác dụng phụ nếu dùng sai cách. Bài viết này giúp bạn tìm hiểu về tác dụng phụ của lá neem để dùng an toàn hơn.

1. Lá neem có tác dụng gì?

Cây neem hay còn gọi là xoan Ấn Độ, được trồng chủ yếu ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Nhiều người còn gọi cây neem là cây sầu đâu.

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, hầu hết tất cả bộ phận của cây neem đều chứa chất có hoạt tính sinh học, nhiều nhất ở hạt và lá neem. 

Hạt và lá neem được coi là hữu dụng trong phòng chống bệnh sốt rét mặc dù nghiên cứu lâm sàng chưa được đầy đủ.

than-trong-voi-tac-dung-phu-cua-la-neem-voh

Lá và hạt neem có chứa hoạt tính sinh học (Nguồn: Internet)

Các sản phẩm từ lá neem đều có hoạt tính trừ sâu, trừ nấm gây bệnh, ức chế phát triển và giảm khả năng đẻ trứng của côn trùng. Đã có một số thuốc bảo vệ thực vật được sản xuất và thương mại dựa trên hoạt chất của lá neem và các hoạt chất chiết xuất từ nhân hạt neem.

Ngoài ra, dịch chiết từ lá neem còn được sử dụng phổ biến để trị một số bệnh trong y học như chống nhiễm trùng, tẩy giun sán, sốt rét. Bên cạnh đó, dịch chiết lá cũng được phối trộn với một số phụ gia để sản xuất một số loại mỹ phẩm như kem dưỡng da, kem chống muỗi, xà phòng vệ sinh…

Theo kinh nghiệm dân gian, người ta thường cho lá neem vào chum đựng các loại hạt ngũ cốc, gạo,…để tránh phát sinh nấm, sâu mọt. Một số người còn cho lá neem lên các kệ sách, giá sách để trừ mọt, mối gây hại.

2. Tác dụng phụ của lá neem

Hiện nay, có nhiều loại lá neem khác nhau. Theo nghiên cứu, các loại lá neem đều có dược tính, tuy đem lại lợi ích trị bệnh nhưng độc tính cũng cao. Nếu sử dụng không đúng và quá liều có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. 

Các tác dụng phụ của lá neem thường gặp là:

  • Buồn nôn và nôn;
  • Tiêu chảy;
  • Buồn ngủ;
  • Rối loạn máu;
  • Động kinh;
  • Mất ý thức;
  • Rối loạn não;
  • Tử vong.

Mặc dù cây neem còn được gọi là cây sầu đâu nhưng ở mỗi loại sẽ có những hoạt chất tương đối khác nhau. Vì sự nhầm lẫn trong nhận dạng và sử dụng tùy tiện mà thực tế đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc. Điển hình, năm 2015, tại bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã tiếp nhận một bé gái 2 tuổi (ở Long An) nhận viện trong tình trạng co giật, hôn mê, sau khi uống nước sắc từ lá, vỏ và hạt cây sầu đâu. Dù được bác sĩ cấp cứu, rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính,…nhưng do bệnh nhi nhập viện muộn nên đã tử vong sau đó. 

Theo người nhà bệnh nhi, trước đây có xin một cây sầu đâu ở miền Bắc về trồng trước sân để lấy bóng mát. Nghe nhiều người nói lấy lá, vỏ cây và hạt sầu đâu nấu nước uống sẽ tẩy được giun nên người nhà đã làm theo. 

3. Loại sầu đâu nào mới ăn được?

Hiện nay, ở nước ta có nhiều loại cây sầu đâu. Cây sầu đâu bản địa của Việt Nam còn gọi là cây xoan, xoan trắng, sầu đông, thầu đâu, khổ luyện, xuyên luyện,…Cây thường to, thân gỗ, cao từ 8 – 15m, lá kép lông chim lẻ, cụm hoa mọc ở lá, mọc trước hoặc cùng thời gian với lá non. Hoa có màu trắng hoặc tím.

Cây sầu đâu này hiện có tên trong danh sách dược liệu của Việt Nam. Các bộ phận của cây có vị đắng, tính lạnh nhưng chỉ có vỏ rễ và vỏ thân cây mới được dùng trong y học. Hoạt chất chính trong vỏ rễ và thân là chất toosendamin, còn gọi là khổ luyện tố, có tác dụng diệt giun đũa, giun kim, chống nấm, chống độc tố botudin do vi khuẩn gây ra. Riêng các bộ phận khác của cây sầu đâu có chứa độc tố. Tùy liều lượng, độ mẫn cảm của đối tượng sử dụng mà mức độ độc tính khác nhau.

than-trong-voi-tac-dung-phu-cua-la-neem-voh

Hoa của cây neem (Nguồn: Internet)

Ngoài cây sầu đâu bản địa thì hiện nay nước ta còn có thêm 2 loại sầu đâu là sầu đâu Ấn Độ (hay còn gọi là cây neem) và sầu đâu rừng. Sầu đâu Ấn Độ có thể dùng làm gỏi (còn gọi là xoan ăn gỏi). Cây neem đang được trồng nhiều và phát triển tốt ở tỉnh Ninh Thuận.

Như vậy, lá neem (lá cây sầu đâu Ấn Độ) mới có thể dùng làm gỏi để ăn. Lá sầu đâu bản địa vẫn có thể dùng được nhưng nó cũng có chứa độc tính, dùng nhiều có thể gặp các tác dụng phụ hoặc ngộ độc. Do đó, người dân không nên tùy tiện dùng lá neem hay sầu đâu bản địa để dùng làm rau ăn hoặc làm thuốc chữa bệnh, đặc biệt không nên ăn một lúc quá nhiều vì độc tố sẽ vượt khả năng chịu đựng của cơ thể. Nếu muốn dùng mà không am hiểu về lá neem thì hãy tham khảo ý kiến của thầy thuốc hoặc chuyên gia để được tư vấn.