Thành Tựu Y Khoa Việt Nam 2020: Mô hình cấp cứu bệnh nhân bằng xe hai bánh

(VOH) - Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, nơi giao thương hằng ngày, người dân từ khắp mọi miền đổ về đây học tập, làm việc.

Cho đến hiện nay, với một Thành phố tính cả dân nhập cư xấp xỉ 13 triệu dân, kéo theo mật độ lưu thông ngày càng dày đặc. Kẹt xe vào giờ cao điểm là hình ảnh thường thấy, tuy nhiên, với công tác cấp cứu người bệnh, thì việc chậm trễ sẽ kéo theo hậu quả rất khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng. Trước yêu cầu thực tiễn, việc đa dạng hóa các loại hình cấp cứu đã được hình thành như một sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm.

Mô hình cấp cứu bệnh nhân bằng xe hai bánh. Ảnh do Bệnh viên cung cấp 

Như chúng ta thương nghĩ lâu nay, khi nói đến cấp cứu người ta cứ quen nghĩ là xe cứu thương bốn bánh với trang bị hiện đại nhưng với các nước phát triển ngoài xe cứu thương trang bị hiện đại người ta còn dùng nhiều phương tiện khác như xe đạp cứu thương, xe honda cứu thương hoặc trên vùng sông nước thì ca nô cứu thương. Tất cả khi triển khai đều hướng đến làm sao cấp cứu cho người dân một cách tốt nhất, nhanh chóng đưa đến bệnh viện đảm bảo công tác cứu chữa kịp thời.

Chính thức đưa mô hình cấp cứu xe hai bánh vào phục vụ cộng đồng từ đầu tháng 11 năm 2018 tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, sau quá trình triển khai, thực tế cho đến hiện nay phải khẳng định đây là mô hình rất cần thiết. Cần thiết vì rất nhiều nguyên nhân, đó là xuất phát từ tình hình giao thông tắc nghẽn vào những giờ cao điểm khiến xe cứu thương rất khó di chuyển, mất thời gian dài để đến điểm cần tiếp cận. Thứ hai nếu bệnh nhân ở trong những hẻm nhỏ thì xe cứu thương khó vào được, trong khi đó nếu người nhà trực tiếp đưa bệnh nhân thì những tư thế sai lệch lúc di chuyển vô tình có thể gây hại cho người bệnh. Với ưu điểm gọn, nhẹ, di chuyển nhanh, có nhân viên y tế trực tiếp hướng dẫn nên mô hình cấp cứu bằng xe hai bánh đã phát huy lợi thế và chứng tỏ được tính khả thi, được vận dụng linh hoạt tùy từng trường hợp bên cạnh phương tiện chủ lực là xe cứu thương.

Là bác sĩ nữ phát huy tinh thần trẻ, không quản ngại đêm hôm, bác sĩ Bùi Ngọc Diễm Sương, thành viên tham gia cấp cứu xe hai bánh tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn chia sẻ, phải thấy một điều từ thực tế là cấp cứu 2 bánh nhanh, len lỏi được vào giờ cao điểm khi có tín hiệu cấp cứu từ bệnh nhân, rất có ý nghĩa nhất là những trường hợp đột quỵ hay nhồi máu cơ tim cấp, khi mà yếu tố thời gian vàng luôn quyết định sự sống còn của bệnh nhân, bác sỹ đã chia sẻ “Thực tế làm rồi mới thấy phương tiện cấp cứu này rất hiệu quả, thứ nhất là nhanh chóng, thứ hai là dễ di chuyển trong đường phố, tỉ lệ cấp cứu thành công rất cao”

Và khi triển khai tại Quận 1 cụ thể là tại trạm cấp cứu vệ tinh Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, bước đầu ghi nhận phần đông người dân đều hài lòng với loại hình xe cấp cứu 2 bánh. Bác sĩ Bùi Thị Ngọc Hoanh – Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Sài Gòn nói: “Triển khai vào cuối năm 2018, mô hình này nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ người dân, mô hình triển khai ở Quận 1 và các quận lân cận, cứu chữa được rất nhiều trường hợp cần cấp cứu nhanh chóng”

Có thể thấy, việc đẩy mạnh, nhân rộng mạng lưới cấp cứu cũng như đa dạng hóa loại hình cấp cứu đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Ấp ủ để hiện thực, từ lòng yêu nghề, yêu công việc, vì cuộc sống người dân Thành phố mà các chiến sĩ áo trắng đã không ngừng nỗ lực.

Mô hình “Cấp cứu ngoại viện bằng xe 2 bánh - Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn” đã vào vòng chung khảo giải thưởng sáng tạo của Thành Phố năm 2019. Từ khi triển khai thí điểm, đánh giá lại ngành y tế đã ghi nhận tính hiệu quả của nó. Từ xuất phát điểm thuận lợi khi cấp cứu bằng xe 2 bánh ở quận trung tâm Thành phố, mô hình này bắt đầu lan tỏa đến các quận khác.

Những lợi thế của cấp cứu bằng xe hai bánh đã được ngành y tế linh hoạt trong ứng dụng thực tiễn nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh. Một khi mà cấp cứu luôn được thực hiện trong hoàn cảnh tối khẩn để cứu giữ mạng sống của người bệnh thì việc hướng đến đa dạng các loại hình là vô cùng cần thiết, phục vụ tốt hơn và sát sao hơn với thực tế mà người dân cần. Mô hình này được xem là “đặc sản” của ngành y tế Thành phố,  xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và quan trọng hơn tính hiệu quả đã được chứng minh.

“Mô hình cấp cứu bệnh nhân bằng xe hai bánh - Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn” là đề cử tham gia giải thưởng thành tựu y khoa Việt Nam 2020.

Cập nhật thông tin chương trình tại: https://ttykvn.voh.com.vn/

Nghe trực tuyến tại: https://radio.voh.com.vn/thanh-tuu-y-khoa-821.html