Nghe nội dung: Phối hợp liên viện và ECMO cứu sống mẹ con sản phụ mắc Covid-19 nguy kịch
Quyết tâm, chủ động cứu chữa các trường hợp thai phụ bằng sự phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ liên viện, liên khoa, với việc sử dụng kỹ thuật hiện đại là ECMO đã cứu rất nhiều các sản phụ trong đợt dịch khốc liệt vừa qua.
Những ca cứu chữa thành công cả mẹ lẫn con trong tình trạng thập tử nhất sinh giữa đại dịch không những là động lực cho các nhân viên y tế mà còn tạo nên niềm hân hoan to lớn cho cộng đồng trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Hành trình chiến đấu với Covid-19 của các F0 chưa bao giờ là dễ dàng. Hành trình ấy càng gian truân và khốc liệt hơn với với những thai phụ vì họ phải gánh trên người cả 2 sinh mạng, bên cạnh đó thai phụ mắc Covid-19 thường có nguy cơ diễn tiến nặng hơn, các bệnh viện Phụ sản có thể chẩn đoán, điều trị về mặt Sản khoa và Nhi khoa nhưng sẽ gặp khó khăn khi hồi sức mẹ suy hô hấp, đặc biệt là các trường hợp nhiễm Covid-19 nặng cần phải can thiệp ECMO.
PGS-TS-BS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ: "Trong đỉnh dịch thì có cả những thai phụ mắc Covid-19, và khi mắc thì diễn tiến rất nhanh, các bệnh viện dã chiến không thể chăm sóc tốt sản phụ do không có sản khoa và cũng không có phòng mổ nếu cần mổ cấp cứu lấy con... Chúng tôi đã thành lập 1 tổ cấp cứu phản ứng nhanh khoa sản và tự tin nhận bệnh từ các bệnh viện dã chiến".
Bằng sự chuẩn bị kỹ càng, Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã mạnh dạn đón nhận các thai phụ từ Bệnh viện Dã chiến số 4, số 7, Xuyên Á và các sản phụ từ bệnh viện Hùng Vương và Từ Dũ với quyết tâm cứu cả mẹ lẫn con.
Hành trình cứu sống bệnh nhân đầu tiên, chị Võ Thanh Diễm có thể được xem như một kỳ tích. Chị mang thai 33 tuần, mắc Covid-19 có nguy cơ tử vong, sau khi mổ bắt con tại bệnh viện Từ Dũ chị được chuyển sang trung tâm để can thiệp Ecmo.
Sau rất nhiều nỗ lực của các y bác sĩ của Trung tâm, chị được cứu sống ở một khe rất hẹp của lằn ranh sinh tử. Chị Võ Thanh Diễm chia sẻ: “Cũng trấn an bản thân chắc không sao đâu, sau đó bác sĩ có cho thở máy nhưng sau hôn mê luôn, sau vẫn cố nhớ đến em bé trong bụng, sau anh bác sĩ có nói đã mổ em bé ra, rất mừng và luôn giữ tinh thần để vượt qua, anh bác sĩ rất tận tình chăm sóc và động viên cố gắng để về với con”.
Hành trình chiến đấu với Covid-19 của chị Nguyễn Chúc Ly cũng là một minh chứng nữa cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các y bác sĩ nơi đây. Chị vào Bệnh viện Đa Khoa Xuyên Á với thai 31 tuần, suy hô hấp tiến triển nhanh.
Trong đêm, tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 thai phụ phải đặt nội khí quản và chuyển về Bệnh viện Đại học Y dược để mổ lấy thai cấp cứu. Sau nhiều nỗ lực, em bé đã được cứu sống thành công. Thế nhưng người mẹ lại lâm vào tình trạng nguy kịch.
Thời khắc sản phụ chìm vào hôn mê cũng là lúc các y, bác sĩ bước vào cuộc đua sinh tử với Covid-19. Sau 13 ngày can thiệp ECMO, chị dần hồi phục và xuất viện khỏe mạnh không lâu sau đó.
Hành trình hồi sinh kỳ diệu của 2 người mẹ trẻ cũng chính là minh chứng về năng lực chuyên môn, sự cố gắng không ngừng của đội ngũ y, bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19, bên cạnh đó còn là tình mẫu tử thiêng liêng, nghị lực sống mạnh mẽ đã đưa 2 người mẹ này đi qua lằn ranh sinh tử.
Bác sĩ Hoàng Thị Hải Yến nói: “Bản thân chuyện mình làm chuyên khoa hồi sức tích cực, mỗi bệnh nhân mình cứu được, đều là nguồn động viên lớn cho mình và cả ê kíp ở đây”
Việc mẹ, con sản phụ vượt qua cơn nguy kịch là niềm vui không thể diễn tả của cả gia đình cũng như cả đội ngũ nhân viên y tế trong công tác phòng, chống Covid-19. Kỳ tích đến với 2 người mẹ trẻ này bằng chính mồ hôi, sự cố gắng không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ.
Vừa rồi chỉ là 2 trong số rất nhiều những bệnh nhân được cứu sống trong đợt dịch vừa qua. Đó là một khởi đầu quan trọng tạo nên sự tự tin cho đội ngũ nhân viên y tế và đặc biệt là vực dậy niềm tin cho cộng đồng.
PGS-TS-BS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Dịch này như cơn bão, cơn bão đi qua thì tàn phá gãy đổ cây lớn và để lại những mầm non bơ vơ, thông điệp chúng tôi đưa ra không chỉ là việc chúng tôi cứu người được mà đó là niềm tin, ngành y tế chúng ta, trong những lúc khó khăn nhất, chúng tôi làm được điều gì đó cứu được đồng bào mình và quan trọng nhất tạo niềm tin cho cộng đồng vào ngành y Việt Nam”.
Hành trình đầy khó khăn, thử thách để cứu chữa thành công cả mẹ lẫn con trong tình trạng thập tử nhất sinh trong đợt dịch khốc liệt vừa qua đã một lần nữa cho thấy sự tiến bộ của y học nước nhà và cũng một lần nữa chúng ta thấy được sự tận tâm, hết mình của người thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch.