Bác sĩ Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận 5 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, các ca bệnh này đều ở huyện Ba Tơ. Trong số 5 ca thì 4 ca có triệu chứng rõ ràng, 1 ca không có triệu chứng.
Bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi, cho biết: “Riêng Bệnh viện Sản Nhi đang điều trị cho 3 bệnh nhi dương tính với virus gây bệnh bạch hầu, còn lại 9 ca đang theo dõi. Bệnh viện đã gửi mẫu xét nghiệm cho Viện Pasteur Nha Trang và đang chờ kết quả xét nghiệm”.
Các bệnh nhi đều có độ tuổi từ 13 tháng đến 13 tuổi và ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Theo bác sĩ Tuyến, qua điều trị, các ca bệnh đã tạm ổn.
Để chủ động phòng chống, không để dịch bùng phát, lan rộng, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản 4981/UBND-KGVX đã giao Sở Y tế tiếp tục triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh.
Tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ, cấp cứu và điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong.
Sở GD-ĐT triển khai các hoạt động phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học, lớp học, nhà trẻ đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng, đặc biệt là các huyện miền núi. Tổ chức theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường mầm non, trường tiểu học, THCS, thông báo cho cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Các dấu hiệu khả năng mắc bệnh bạch hầu như sốt, đau họng, ho, khàn tiếng, vòm họng xuất hiện giả mạc, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.