Thoái hóa khớp gối có tự khỏi không?

(VOH) - Thoái hóa khớp gối được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ giảm được các biến chứng và làm chậm sự phát triển quá trình thoái hóa. Vậy người bệnh thoái hóa khớp gối nên điều trị bằng cách nào?

1. Thắc mắc của thính giả:

Chào bác sĩ!

Tôi năm nay 62 tuổi, tôi bị thoái hóa khớp gối chân, tôi không dám uống thuốc vì sợ bị tác dụng phụ. Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi bị đau quá nên có dùng 2 toa thuốc nhưng tình trạng đau vẫn không giảm. Vậy tôi muốn hỏi bác sĩ nếu bị thoái hóa khớp gối mà không uống thuốc thì có sao không? Ngoài ra, tôi nghe nói ăn ốc sên sẽ giúp giảm đau và trị được thoái hóa khớp gối, vậy điều này có đúng không? và tôi có nghe bác sĩ nói vỏ trứng hột gà có nhiều canxi, nhưng tôi không xay ra như bác sĩ nói mà tôi bóc vỏ rồi nhai, nuốt luôn thì có được không? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi các vấn đề này.

2. PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) giải đáp:

2.1 Về vấn đề nhai vỏ trứng gà

Nếu mà răng chị tốt thì chị cũng có thể nhai vỏ trứng gà, nhưng tốt hơn, chị nên xay, tán nhuyễn vỏ trứng ra rồi cho vào trong cơm, canh để ăn, như vậy thì chất lượng có thể được nhiều hơn. Theo tôi, nếu chị xay nhuyễn ra thì sẽ ăn được nhiều hơn, còn nếu chị muốn nhai trực tiếp vỏ trứng gà thì chị phải nhai thật nhuyễn để cơ thể cảm thụ được canxi. 

thoai-hoa-khop-goi-co-tu-khoi-khong-voh

Vỏ trứng gà chứa nhiều canxi (Nguồn: Internet)

2.2 Về vấn đề thoái hóa khớp gối

Chị bị đau đầu gối nhiều và nghĩ rằng bị thoái hóa khớp gối, tuy nhiên tôi nghĩ cũng có thể chị bị một số bệnh lý khác nữa như viêm dây chằng của khớp gối, viêm túi hoạt dịch của khớp gối,…Do đó, việc đầu tiên là chị phải đi khám để người ta chụp hình, đánh giá xem có bị thoái hóa không hay bị một bệnh lý nào khác. 

Nếu trường hợp chị bị viêm thì người ta sẽ cho chị dùng thuốc chống viêm, giảm đau để giải quyết tại chỗ. Mặc dù thuốc chống viêm bao giờ cũng có thể ảnh hưởng đến dạ dày, nhưng các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc sao cho vừa giúp chị giảm đau, vừa bảo vệ được dạ dày, vì vậy chị nên yên tâm sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. 

Khi sử dụng thuốc đúng liều, đúng thời gian thì sẽ không đến mức gây ra tác dụng phụ, vì vậy, chị nên dùng thuốc để giảm đau, nó cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mình hơn. Bởi vì, khớp gối là bộ phận chúng ta thường xuyên sử dụng, mỗi ngày chị phải vận động và đi lại nhờ vào khớp gối. Nếu chị không dùng thuốc, cơn đau khiến chị không đi lại được thì tình trạng này càng khiến sự thoái hóa thêm nặng nề hơn. Vì vậy, chị phải vận động, đi lại thường xuyên, vận động có thể khiến chị bị đau nhưng nó chỉ đau trong một giai đoạn nhất định thôi. 

Nếu cảm thấy quá đau, không đi lại được thì chị có thể nhờ sự hỗ trợ của đai gối để bảo vệ khớp tại chỗ, tuy nhiên, chị không nên lạm dụng. Trên thực tế, nhiều người khi đeo đai gối, dễ đi lại và không gây đau nên cứ đeo hoài, thế nhưng, việc đeo đai gối nhiều có thể khiến cơ đùi bị teo lại, khi thả đai gối ra, cơ đùi sẽ bị nhão, không săn chắc. 

thoai-hoa-khop-goi-co-tu-khoi-khong-voh

Nên điều trị thoái hóa khớp gối bằng thuốc kết hợp với tập luyện (Nguồn: Internet)

Như vậy, tôi khuyên chị nên tiếp tục điều trị. Nếu không dùng thuốc, chị tập luyện vẫn có thể làm cho thời gian thoái hóa chậm hơn nhưng tình trạng đau có thể khiến chị khổ sở, ảnh hưởng đến cuộc sống. 

Phương án tốt nhất là chị điều trị trong một thời gian ngắn, sau đó tập luyện và sử dụng thêm các thành phần giúp chất nhầy của sụn, tế bào sụn được tái tạo. Chị có thể sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng như Glucosamine để giúp tăng cường các chất dịch nhầy ở khớp, tăng cường chất bổ cho sụn. Bên cạnh đó, chị cũng cần uống đủ nước mỗi ngày, vận động và nghỉ ngơi hợp lý để ngăn chặn tình trạng thoái hóa. 

2.3 Về vấn đề ăn ốc sên trị thoái hóa

Việc ăn ốc sên trị thoái hóa thì tôi thật sự không có kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu người ta dựa vào chuyện ốc sên có nhớt sẽ làm tăng các chất nhờn thì điều đó là sai. Bởi vì ốc sên có thể có các chất đạm và chất đạm thì được sử dụng cho toàn thân chứ không phải chỉ bổ sung cho các khớp. Ngoài ra, thịt của ốc sên có tính hàn, nếu trong người bị hàn, ăn ốc sên vào sẽ dễ bị tiêu chảy, dễ bị ngộ độc, vì vậy, chị nên hết sức thận trọng khi muốn sử dụng ốc sên để trị bệnh.

Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

 
Bình luận