Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thoát vị đĩa đệm cột sống: dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

(VOH) - Ngày nay, thoát vị đĩa đệm không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà còn phổ biến ở người trẻ. Nếu không phát hiện, chữa trị sớm, người bệnh có thể ‘đứng ngồi không yên’, thậm chí tàn phế suốt đời.

1. Thoát vị đĩa đệm cột sống là gì?

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, đĩa đệm là nhân nhầy, nằm ở khe giữa của 2 đốt sống, chung quanh được bao bọc bằng các sợi dây chằng, bao gân. Nói cách khác, đĩa đệm được xem như một lớp chống sốc khi chung ta chạy nhảy hay vận động.

thoat-vi-dia-dem-cot-song-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-voh-1

Hình ảnh đĩa đệm bị thoát vị (Nguồn: Internet)

Thoát vị đĩa đệm là khi hệ thống phần mềm, dây chằng, bao gân bao quanh đĩa đệm bị đứt hoặc bị giãn, khi đó nhân nhầy không nằm giữa 2 đốt sống nữa mà thoát ra ngoài. Khi đĩa đệm thoát ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến ống sống, chèn ép rễ thần kinh và mạch máu, từ đó ảnh hưởng đến phần máu đến nuôi dưỡng các cơ khớp.

Bất kỳ đoạn cột sống nào cũng có thể bị thoát vị đĩa đệm nhưng phổ biến nhất là thoát vị địa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, do các vị trí này chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

2. Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống

Người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thường gặp phải những triệu chứng sau đây:

  • Đau thắt lưng với các triệu chứng nhức, tê lan dọc từ thắt lưng xuống mông và chân hay đau từ vùng cổ - gáy lan ra 2 vai và xuống cánh tay, bàn tay. Cơn đau thường tái phát nhiều lần, có khi đau âm ỉ nhưng thường đau dữ dội khi người bệnh ho, hắt hơi, cúi người.
  • Người bệnh có cảm giác như kiến bò, tê cóng, kim châm,…

Tuy nhiên, tùy theo vị trí thoát vị mà người bệnh có thể gặp các triệu chứng đặc trưng như:

2.1 Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

  • Người bệnh bị đau vùng vai, gáy. 
  • Đau, tê hoặc mất cảm giác từng vùng ở cổ tay, cánh tay, bàn tay, giảm cơ lực tay.
  • Giảm khả năng vận động vùng cổ như cổ khó xoay ngang, cúi xuống, ngửa lên…
  • Xuất hiện những cơn đau lan lên đầu gây đau đầu, choáng váng. 

2.2 Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

  • Người bệnh bị đau vùng thắt lưng kèm theo triệu chứng đau thần kinh liên sườn, cảm giác đau tăng lên khi người bệnh nằm nghiêng, ho và đại tiện.
  • Đau vùng cột sống lưng, lan theo hình vòng cung ra phía trước ngực.
  • Đau, tê, mất cảm giác vùng mông, chân, bàn chân.
  • Người bệnh bị hạn chế cử động cột sống như không còn khả năng ưỡn thắt lưng, không cúi được xuống thấp,…
  • Người bệnh thường có tư thế ngay lưng hay vẹo về một bên để chống đau, có trường hợp đau dữ dội và người bệnh phải nằm bất động về một bên không không đau. 

Trên đây là những triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống để người bệnh nhận biết, tuy nhiên, để biết chính xác tình trạng thoát vị bên trong như thế nào thì người bệnh cần phải chụp Xquang, đôi khi phải chụp MRI. Mặc dù chụp MRI khá tốn kém nhưng đây là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác, dựa vào kết quả, bác sĩ sẽ quyết định điều trị phẫu thuật hay điều trị nội khoa bảo tồn. 

3. Thoát vị đĩa đệm cột sống có nguy hiểm không?

Bác sĩ Bay cho biết, điều khổ sở nhất của người bị thoát vị đĩa đệm cột sống chính là những cơn đau. Đau nhức không chỉ khiến người bệnh khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng công việc và khả năng đi lại, vận động.

Ngoài cơn đau nhức, đĩa đệm thoát ra ngoài cũng có thể chèn ép vào ống sống, rễ thần kinh gây ra chứng rối loạn hệ thần kinh, từ đó ảnh hưởng đến vấn đề đại, tiểu tiện như tiểu không tự chủ, đi cầu không tự chủ,…

thoat-vi-dia-dem-cot-song-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-voh-2

Thoát vị đĩa đệm cần can thiệp sớm để tránh những tổn thương nguy hiểm cho cột sống và dây thần kinh (Nguồn: Internet)

Thoát vị đĩa đệm cột sống không can thiệp và chữa trị sớm cũng có thể gây những tổn thương đến hệ thống thần kinh, người bệnh không thể đứng hoặc ngồi được, thậm chí bị liệt suốt đời.

Chính vì vậy, khi có những triệu chứng như đau thắt lưng, đau vai gáy, đau cột sống,…thì bạn nên đi khám và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xem có bị thoát vị đĩa đệm hay không, từ đó sẽ có phương pháp can thiệp phù hợp.

4. Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng cách nào?

Có nhiều phương pháp chữa trị thoát vị đĩa đệm cột sống như phẫu thuật, dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc. Cụ thể:

4.1 Dùng thuốc

Người bệnh có thể dùng thuốc Tây y hoặc các bài thuốc Đông y từ các loại thảo dược chứa tinh dầu và các loại kháng viêm.

Lưu ý: việc sử dụng thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ hoặc thầy thuốc Đông y.

4.2 Phương pháp không dùng thuốc

Bác sĩ Bay cho biết, phương pháp không dùng thuốc chủ yếu tác động bên ngoài nhằm giúp giảm các triệu chứng đau, tê khó chịu. Các phương pháp gồm có:

  • Nhiệt trị liệu

Sử dụng muối nóng hoặc lá dược thảo như lá lốt phơi khô, cho vào 1 cái túi vải, làm nóng túi rồi lót dưới vị trí đau. Hơi nóng vừa giúp giãn cơ, dịu đau vừa giúp hơi thuốc, tinh dầu một phần được thẩm thấu vào bên trong để giảm đau tại chỗ.

  • Châm cứu

Châm cứu có thể kích thích tại chỗ hoặc châm cứu các huyệt ở xa có liên thông đến vùng thoát vị sẽ giúp khí huyết lưu thông, giảm đau. Ngoài ra, châm cứu còn kích thích cơ thể sản xuất tiền chất endorphin – một loại chất giảm đau hiệu quả. 

  • Dùng laser

Laser là phương pháp dùng ánh sáng chiếu vào 1 vùng huyệt vị để giảm đau. 

  • Cấy chỉ

Cấy chỉ là phương pháp cũng tương tự như châm cứu nhưng nó tiện lợi hơn là người bệnh thực hiện 1 lần cho 1 – 2 tuần thay vì phải đi châm cứu mỗi ngày.

  • Tập luyện, vận động

Khi bị thoát vị đĩa đệm người bệnh cần chú ý quá trình tập luyện và vận động. Mỗi ngày hãy vận động và đi lại nhẹ nhàng sao cho phù hợp với sức lực của mình hoặc có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia để thực hiện các bài tập cho phù hợp.

4.3 Phương pháp phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không đạt hiệu quả thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Tùy vào mức độ thoát vị và tình trạng sức khỏe của mỗi người mà có phương pháp phẫu thuật khác nhau. Vì vậy, người bệnh cần phải đi thăm khám để được chỉ định chính xác.

Lời khuyên: Người bị thoát vị đĩa đệm nên nằm ngủ trên nệm cứng, không nằm nệm mềm. Bên cạnh đó, người bệnh có thể mang đai để giữ cho đĩa đệm luôn nằm ở khe giữa 2 đốt sống. 

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

Bình luận