Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thoái hóa cột sống nên ăn gì để hết đau nhức?

(VOH) - Ngoài việc dùng thuốc, tập luyện thì chế độ ăn uống khoa học cũng là một cách để bạn giảm thiểu các triệu chứng đau nhức của bệnh thoái hóa cột sống. Vậy thoái hóa cột sống nên ăn gì?

1. Bị thoái hóa cột sống nên ăn gì?

Theo Th.S, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan – Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc, Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh tại Bệnh viện YHCT TƯ, người bị thoái hóa cột sống nên chú ý đến việc bổ sung những thực phẩm có lợi vào những bữa ăn hàng ngày để hỗ trợ chữa thoái hóa cột sống hiệu quả.

Dưới đây là thức ăn chữa bệnh thoái hóa cột sống mà bạn có thể tham khảo:

thoai-hoa-cot-song-nen-an-gi-de-het-dau-nhuc-voh-1

Nhóm thực phẩm có lợi cho người thoái hóa cột sống (Nguồn: Internet)

1.1 Các loại thịt

Người bị thoái hóa cột sống thắt lưng nên chọn thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm, xương ống, sườn, sụn…Sử dụng nước hầm xương từ xương ống và sườn sẽ rất tốt cho người bị thoái hóa cột sống vì loại nước này chứa nhiều glucosamin và chondroitin có tác dụng bổ sung canxi cho cơ thể.

1.2 Trái cây

Về trái cây, người bệnh nên chọn quả ổi, đu đủ, dứa, cam, chanh, bưởi…Bởi đây là nguồn cung ứng men kháng viêm và vitamin C dồi dào.

1.3 Rau xanh và các loại rau củ quả màu đỏ

Rau củ quả thường chứa nhiều vitamin K, C, A, E,…những vitamin này sẽ giúp xương chắc khỏe, bảo vệ bao khớp và đầu xương, làm giảm đau, viêm khớp. Nếu bạn bị thoái hóa cột sống thắt lưng thì nên chọn các loại rau củ sau:

  • Súp lơ xanh – thực phẩm chứa nhiều vitamin K và C, giúp xương chắc khỏe.
  • Cà rốt – giàu vitamin A và E, giúp bảo vệ bao khớp và đầu xương.
  • Cà chua – có lợi cho các trường hợp bị đau khớp, thoái hóa khớp. Đặc biệt, hạt cà chua còn có thể thay thế aspirin giúp chống viêm khớp và giảm đau rất tốt.

1.4 Đậu nành

Tuy đậu nành không chứa nhiều canxi nhưng lại là thực phẩm rất tốt để phòng bệnh loãng xương, đặc biệt là có lợi cho người bệnh thoái hóa cột sống. Trong đậu nành có chứa hoạt chất Genistein, được xem như là hormone estrogen thực vật. Chúng có tác dụng tương tự như estrogen sinh học, góp phần làm xương chắc khỏe.

1.5 Nấm và mộc nhĩ

Nấm và mộc nhĩ là 2 thực phẩm ngon, ngoài ra chúng còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp cơ thể chống lão hóa, giảm nguy cơ mắc các bệnh xương khớp, ung thư, tim mạch,…

  • Mộc nhĩ có tác dụng hạ huyết áp, ngừa xơ vữa động mạch. Nó còn chứa polysaccharid có khả năng tăng cường miễn dịch trong cơ thể người để chống chất phóng xạ và ức chế khối u.
  • Nấm hương có tác dụng chống viêm, chữa cơ thể suy nhược và giảm chứng tê bì chân tay.

1.6 Thực phẩm giàu vitamin D

Vitamin D hỗ trợ hấp thụ và chuyển hóa canxi trong cơ thể, giúp bảo vệ xương. Nguồn cung cấp vitamin dồi dào gồm: lòng đỏ trứng, cá hồi, sữa,…

2. Thoái hóa cột sống kiêng ăn gì?

Khi xây dựng thực đơn hàng ngày, người bệnh thoái hóa cột sống nên kiêng các nhóm thực phẩm sau để ngăn ngừa bệnh nặng thêm.

thoai-hoa-cot-song-nen-an-gi-de-het-dau-nhuc-voh-2

Người bị thoái hóa cột sống nên ngừng tiêu thụ thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ (Nguồn: Internet)

  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Gà rán, xúc xích, món chiên xào, đồ ăn nhanh,…là những loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa. Nếu sử dụng thường xuyên sẽ làm tăng tình trạng và khiến cơn đau nhức dai dẳng hơn.
  • Thức ăn mặn và đồ uống nhiều đường ngọt: Muối và đường là 2 loại gia vị thiết yếu trong nấu ăn. Thế nhưng, người bị thoái hóa khớp nên hạn chế tiêu thụ 2 gia vị này, bởi muối và đường làm ngăn chặn khả năng hấp thụ canxi, tăng các triệu chứng thoái hóa khớp.
  • Thực phẩm giàu acid oxalic: Các loại rau quả nhiều acid oxalic như việt quất, mận, củ cải, cà chua, khoai tây,…sẽ làm tăng phản ứng viêm kèm chứng phù nề. Người bệnh thoái hóa nên kiêng những thực phẩm này trong khẩu phần ăn vì chúng làm tăng độ đau nhức, khó chịu hơn mức bình thường.
  • Rượu, bia, thức uống có cồn: Tuyệt đối tránh xa các loại đồ uống chứa cồn như bia, rượu vì chúng có thể phá hủy dần các ổ khớp và gây ra các cơn viêm khớp cấp tính.
  • Bắp và bột mì: Khi bị thoái hóa cột sống bạn nên kiêng ăn bắp vì bắp có nhóm hoạt chất gây dị ứng làm tình trạng đau nhức trở nên nặng hơn. Bột mì cũng cần được hạn chế dùng vì chúng làm gia tăng tình trạng viêm, đau nhức. Bạn cũng nên hạn chế ăn cơm nếp, xôi.

Lời khuyên: Thói quen ăn uống khoa học sẽ giúp cung cấp dinh dưỡng cho đĩa đệm khỏe mạnh hơn. Thay vì thắc mắc thoái hóa cột sống ăn gì hay thoái hóa cột sống không nên ăn gì thì bạn nên trao đổi với các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ cơ xương khớp để xây dựng chế độ ăn hợp lý nhất.

Bình luận