Chờ...

Tiêm vaccine: Quyền lợi và nghĩa vụ

(VOH) Hiện nay, có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc lựa chọn vắc xin và xử phạt khi từ chối tiêm vắc xin...Dưới đây là giải đáp của luật sư xoay quanh vấn đề này dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành

Những lợi ích khi tiêm vaccine

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát với biến chủng Delta lây lan nhanh đã gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, cũng như đời sống xã hội và kinh tế. Để nhanh chóng kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo 5K thì việc tiêm vắc xin cho người dân ngày càng trở nên cấp bách.

tiêm vắc xin Covid-19
Tiêm vắc xin Covid-19 giúp giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm nguy cơ tử vong... 

Vắc xin Covid-19 giúp hệ miễn dịch nhận biết và sẵn sàng chống lại vi rút nếu chúng xâm nhập vào cơ thể. Người được tiêm vắc xin đầy đủ ít có khả năng bị lây nhiễm bệnh mà không có triệu chứng cũng như ít có khả năng lây lan vi rút cho người khác. Tiêm phòng cho bản thân cũng chính là bảo vệ những người xung quanh, đặc biệt là người lớn tuổi và người có các bệnh mạn tính - những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng do Covid-19, thậm chí là tử vong hơn những người khác.

Xem thêm: Sáng 2/8, cả nước thêm 3.201 ca nhiễm Covid-19 mới - Tổng số ca được điều trị khỏi 43.157

Trường hợp nào không tiêm vaccine thì bị phạt?

Trước những luồng ý kiến khác nhau về việc tiêm vắc xin, lựa chọn vắc xin hay từ chối tiêm vắc xin bị phạt…Luật sư Lê Ngọc Luân – Đoàn Luật sư TPHCM đã đưa ra một số ý kiến giải đáp khúc mắc này dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành.

Theo Luật sư Lê Ngọc Luân, nếu cá nhân, tổ chức nào viện dẫn Nghị định 117/2020 ngày 28/9/2020 để cho rằng người dân (không làm trong lĩnh vực y tế) từ chối tiêm vắc xin sẽ bị xử phạt từ 1-3 triệu đồng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự là không đúng vì:

Đối tượng áp dụng, nói cách cho dễ hiểu là nghị định này điều chỉnh "những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế" (Khoản 2, Điều 1). Có nghĩa là cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế mà vi phạm thì mới áp dụng nghị định này để xử phạt.

Ví dụ: Địa phương X đang bị dịch bệnh Sởi, Lao...và giả sử có loại vắc xin mà Bộ Y tế phê chuẩn, WHO phê duyệt nhưng báo chí lo ngại hiệu quả, nước sản xuất công bố chưa đạt hiệu quả cao dẫn đến việc Giám đốc Bệnh viện, Bác sĩ... từ chối tiêm thì sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng. Còn người dân không hoạt động trong lĩnh vực y tế sẽ không bị chế tài.

Theo Luật sư Luân, người dân có nghĩa vụ phải tiêm vắc xin. Cụ thể trong trường hợp dưới đây.

Khoản 1, điều 29 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định: "Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh” và Khoản 2, Điều 30 quy định Bộ trưởng Bộ Y tế phải có trách nhiệm ban hành "danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc".

Hiện Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 Bộ Y tế quy định 8 loại bệnh truyền nhiễm người dân phải có trách nhiệm tiêm vắc xin như: bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, tả, sởi, viêm não Nhật Bản B và bệnh dại.

Luật sư Lê Ngọc Luân cho biết, hiện nay chưa có văn bản nào được Bộ Y tế ban hành nêu Covid-19 là bệnh truyền nhiễm buộc phải tiêm vắc xin và nếu chưa công bố theo thì theo luật người dân có quyền tiêm hoặc không. Trong trường hợp Bộ Y tế đã công bố thì người dân phải tiêm.

Được lựa chọn vaccine để tiêm?

Trả lời về vấn đề người dân có quyền từ chối tiêm loại vắc xin không, Luật sư Luân cho biết, như đã phân tích ở trên, trường hợp người dân có “nguy cơ mắc bệnh khi đang ở trong vùng dịch" hoặc "đến vùng dịch" thì phải tiêm vắc xin (đối với loại dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế công bố). Điều đó có nghĩa là pháp luật chỉ buộc người dân có nghĩa vụ "tiêm vắc xin" nếu người dân đó đang sống trong vùng dịch hoặc đến vùng dịch chứ không phải buộc tất cả người dân đều phải tiêm.

Pháp luật không hạn chế và không cấm người dân quyền "lựa chọn loại vắc xin" để tiêm. Do đó, người dân có quyền yêu cầu được tiêm vắc xin loại A hoặc B hoặc C hoặc D theo mong muốn.

Ngày 1/8/2021, Sở Y tế TPHCM đã ban hành công văn khẩn số 5145/SYT-NVY về triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, Thành phố tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên ưu tiên cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường có bệnh lý nền, người nghèo yếu thế, người dân trong khu vực phong toả.

UBND quận huyện phường xã lập danh sách tiêm chủng cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi, phân nhóm theo ưu tiên. Qua đó căn cứ số lượng người tiêm, quy mô điểm tiêm, công suất đội tiêm, địa phương sắp xếp lịch tiêm theo ngày giờ cụ thể để đảm bảo yêu cầu giãn cách.

Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm y tế nhà nước và tư nhân, tổ chức tại các điểm tiêm cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại khu dân cư. Tăng cường các điểm tiêm cố định, mỗi phường xã triển khai từ 3-4 điểm tiêm cố định thay vì 02 điểm như trước đây.

Đồng thời tổ chức các điểm tiêm tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân. Nhân sự chuyên môn của 1 đội tiêm lưu động như sau: 01 bác sỹ thực hiện khám sàng lọc, 01 điều dưỡng thực hiện tiêm, 01 nhân viên thực hiện kiểm tra thông tin phiếu sàng lọ, hỗ trợ bác sỹ khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm.

Bố trí nhân lực làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng, không giới hạn số người tiêm chủng trong mỗi buổi tiêm, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng. Thời gian tiêm có thể kéo dài sau 18 giờ, số lượng tiêm cho một ngày của mỗi đội tiêm chủng có thể hơn 200 người nếu đảm bảo được giãn cách và theo dõi sau tiêm.

Xem thêm: Hãy tiêm vắc-xin khi đến lượt!

Để việc nhập liệu thông tin người tiêm chủng nhanh chóng, địa phương hướng dẫn người dân thực hiện phiếu đồng ý tiêm và phiếu sàng lọc trên nền tảng Hồ sơ sức khoẻ điện tử hoặc bản giấy. Dựa trên dự kiến số lượng người tiêm, thời gian tiêm thông báo thời gian cụ thể cho người đi tiêm đảm bảo giãn cách.

Tại các khu phong toả, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng. Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khoẻ điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.