Chờ...

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng ruột kích thích và cách điều trị

(VOH) – Hội chứng ruột kích thích là một bệnh khá phổ biến ở hệ thống tiêu hóa. Mặc dù được đánh giá là bệnh lành tính nhưng nó có thể gây ảnh hưởng khá nhiều tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn đường ruột phổ biến ảnh hưởng đến ruột già, có thể tái phát nhiều lần. Công việc chính đại tràng là hấp thụ nước và chất dinh dưỡng từ thức ăn được tiêu hóa một phần. Bất cứ thứ gì không được hấp thụ đều sẽ di chuyển qua đại tràng về phía trực tràng và ra khỏi cơ thể dưới dạng chất thải (phân).

Cơ bắp trong đại tràng hoạt động để loại bỏ các chất thải của cơ thể. Chúng co thắt và thư giãn khi đẩy thức ăn khó tiêu qua ruột già. Các cơ này cũng hoạt động với các cơ khác để đẩy chất thải ra khỏi hậu môn.

Nếu các cơ trong đại tràng không hoạt động ở tốc độ phù hợp để tiêu hóa hợp lý hoặc nếu sự phối hợp với các cơ ở trực tràng hoặc xương chậu bị gián đoạn, không thể di chuyển trơn tru sẽ gây ra hội chứng ruột kích thích.

Ở Việt Nam, hội chứng ruột kích thích còn được biết đến với tên gọi là viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng chức năng hoặc viêm đại tràng mãn tính. Theo các bác sĩ thì đây là một hội chứng lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có tác động lớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích

Hiện nay các nghiên cứu vẫn chưa thể tìm ra được nguyên nhân chính xác dẫn đến IBS. Nhưng có rất nhiều yếu tố liên quan đến bệnh đã được xác định:

  • Co thắt cơ bắp trong ruột: Thành ruột được lót bằng các lớp cơ co lại khi chúng di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa. Các cơn co thắt mạnh hơn và kéo dài hơn bình thường có thể gây ra khí, đầy hơi và tiêu chảy. Các cơn co thắt ruột yếu có thể làm chậm quá trình đi qua thức ăn và dẫn đến phân cứng, khô.
  • Hệ thần kinh: Sự bất thường ở các dây thần kinh trong hệ thống tiêu hóa có thể gây ra cảm giác khó chịu hơn bình thường khi bụng căng ra do khí hoặc phân. Các tín hiệu phối hợp kém giữa não và ruột có thể khiến cơ thể phản ứng thái quá với những thay đổi thường xảy ra trong quá trình tiêu hóa, dẫn đến đau, tiêu chảy hoặc táo bón.

nguyen-nhan-dan-den-hoi-chung-ruot-kich-thich-va-cach-dieu-tri-voh

Hiện vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng ruột kích thích (Nguồn: Internet)

  • Viêm trong ruột: Một số người mắc IBS có số lượng tế bào hệ thống miễn dịch trong ruột tăng lên. Phản ứng của hệ thống miễn dịch này có thể gây đau và tiêu chảy.
  • Nhiễm trùng nặng: Hội chứng IBS có thể phát triển sau khi bị tiêu chảy nặng (viêm dạ dày ruột) do vi khuẩn hoặc virus. Ngoài ra IBS cũng có thể liên quan đến sự dư thừa vi khuẩn trong ruột (sự phát triển quá mức của vi khuẩn).
  • Thay đổi vi khuẩn trong ruột (microflora): Microflora là vi khuẩn "có lợi" cư trú trong ruột và đóng vai trò chính trong sức khỏe. Ở những người mắc IBS số lượng vi khuẩn microflora đã bị thay đổi.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng thể làm nghiêm trọng hội chứng ruột kích thích ở người bệnh là: stress, thực phẩm, sử dụng thuốc kháng sinh, thay đổi nồng độ hormone trong chu kỳ kinh nguyệt (ở nữ giới) và yếu tố di truyền.

Ai dễ mắc phải hội chứng ruột kích thích?

IBS có thể xuất hiện ở tất cả các đối tượng nhưng những đối tượng sau đây sẽ có nhiều khả năng mắc phải hội chứng này:

  • Người trẻ tuổi: IBS thường xảy ra thường xuyên hơn ở những người dưới 50 tuổi.
  • Giới tính: Nữ giới có khả năng mắc bệnh cao gấp 2 lần nam giới.
  • Gia đình có người bị hội chứng ruột kích thích.
  • Người có vấn đề sức khỏe tinh thần như lo lắng, trầm cảm, rối loạn nhân cách...

Hội chứng ruột kích thích gây ra triệu chứng gì?

Triệu chứng hội chứng IBS thường là:

  • Đau dạ dày hoặc đau bụng: Triệu chứng này sẽ diễn ra trầm trọng hơn sau khi ăn và tốt hơn sau khi đi đại tiện.
  • Đầy hơi: Vùng bụng có thể sẽ bị đầy hơi, khó chịu và phình to.
  • Tiêu chảy hoặc táo bón: Người bệnh thường bị tiêu chảy hoặc táo bón, đôi khi xen kẽ các đợt tiêu chảy và táo bón.
  • Có chất nhầy trong phân.

nguyen-nhan-dan-den-hoi-chung-ruot-kich-thich-va-cach-dieu-tri-1-voh

Triệu chứng hội chứng ruột kích thích thường là đau dạ dày, đau bụng... (Nguồn: Internet)

Ngoài các triệu chứng chính kể trên, người bị IBS còn có thể gặp phải các rối loạn khác như: Cảm giác nặng bụng, nhức đầu, mất ngủ, trung tiện nhiều, cảm giác đi chưa hết phân...

Các triệu chứng này không đặc hiệu và thay đổi theo thời gian. Tùy thuộc vào chế độ ăn uống mà các triệu chứng có thể được cải thiện hoặc trầm trọng hơn.

Biến chứng nào có thể xảy ra với người bị hội chứng ruột kích thích?

Người bị IBS có thể sẽ gặp phải tình trạng táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy, thậm chí là bệnh trĩ. Ngoài ra, IBS còn có thể làm:

  • Ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người bệnh.
  • Rối loạn tâm trạng.

Chính vì thế, các chuyên gia khuyến cáo khi có các biểu hiện hội chứng ruột kích thích, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được khám và làm các xét nghiệm cần thiết, xác định bệnh để được điều trị kịp thời.

Chẩn đoán và điều trị hội chứng ruột kích thích

Do các triệu chứng không đặc hiệu nên IBS thường được chẩn đoán chủ yếu bằng phương pháp loại trừ. Bác sĩ có thể sẽ cần phải làm một số thăm dò và xét nghiệm để xác định bệnh lý. Các xét nghiệm thường là:

  • Xét nghiệm phân.
  • Chụp khung đại tràng.
  • Soi trực tràng và đại tràng.
  • Sinh thiết trực tràng hoặc đại tràng.

nguyen-nhan-dan-den-hoi-chung-ruot-kich-thich-va-cach-dieu-tri-2-voh

Chưa có biện pháp chữa trị cho IBS nhưng có nhiều cách giúp kiểm soát triệu chứng (Nguồn: Internet)

Hiện vẫn chưa có cách chữa trị cho IBS nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng của căn bệnh này. Dưới đây là một số điều mà các bác sĩ khuyên người bệnh nên thực hiện:

  1. Thay đổi chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống cẩn thận, dinh dưỡng hợp lý có thể giúp giảm bớt hoặc ngăn chặn các triệu chứng IBS. Trước hết, người bệnh cần kiêng các loại đồ uống có caffein, thức ăn cay hoặc béo, một số sản phẩm từ sữa, các loại thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như khoai lang...
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, ví dụ như trái cây và rau quả, uống nhiều nước cũng có thể giúp ngăn chặn các triệu chứng IBS. Ngoài ra, khi ăn cần phải nhai kỹ, ăn từ từ và không nên ăn quá no.

  1. Thay đổi lối sống

Người bệnh cần tránh căng thẳng, stress. Nên ngủ đủ giấc và tập thể dục đều đặn.  

Luyện tập đi ngoài ngày một lần vào buổi sáng, có thể xoa bóp bụng trước khi đi ngoài để kích thích gây cảm giác đi ngoài.

  1. Thuốc

Đối với những người bị IBS nặng, các bác sĩ kê một số loại thuốc thuốc nhuận tràng (đối với táo bón), thuốc chống tiêu chảy hoặc thuốc giãn cơ (đối với co thắt cơ đại tràng), thuốc chống trầm cảm (đối với chứng lo âu và căng thẳng)....

Nhìn chung, hội chứng ruột kích thích là bệnh lành tính nhưng lại khó điều trị và gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Do đó, khi bạn được chẩn đoán mắc phải hội chứng này hãy sử dụng thuốc và sinh hoạt theo lời khuyên của bác sĩ. Tránh lo lắng, căng thẳng vì có thể làm bệnh kéo dài và nặng hơn. Hi vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về phòng tránh và cải thiện bệnh.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang kidshealth.org
  2. Trang vinmec.com
  3. Trang hellobacsi.com
 Hội chứng ruột kích thích nên uống thuốc gì?  : Hội chứng ruột kích kích và viêm loét dạ dày là bệnh dễ tái phát nên người bệnh luôn mong muốn tìm được cách chữa trị hiệu quả và triệt để nhất.
Điều trị viêm đại tràng bao lâu thì khỏi? : Nổi khổ của những người bị viêm đại tràng là thường xuyên phải đối mặt với các triệu chứng khó chịu như đầy hơi, táo bón, tiêu chảy,…Vậy làm thế nào để chữa dứt điểm căn bệnh này?