1. Ung thư đại tràng là gì?
Ung thư đại tràng hay còn gọi là ung thư đại trực tràng, ung thư ruột kết, tức là ung thư phát triển từ ruột kết hay trực tràng (là những phần của ruột già), gây ra bởi sự phát triển bất thường của các tế bào có khả năng xâm lấn hoặc lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể.
Đại tràng và trực tràng nằm ở phần dưới của hệ thống tiêu hóa. Các tế bào ung thư cũng có thể xuất hiện ở phần đầu tiên của ruột già (manh tràng).
Ung thư đại tràng thường bắt đầu ở polyp hình thành ở thành trong ruột già và trực tràng. Qua thời gian, các polyp này có thể phát triển thành ung thư. Do đó, phát hiện và loại bỏ polyp là cách tốt nhất để bạn phòng tránh ung thư đại tràng.
Ung thư đại tràng là ung thư phát triển ở ruột già (Nguồn: Internet)
2. Các giai đoạn của ung thư đại tràng
- Giai đoạn 0: Ung thư ở giai đoạn sớm, chỉ mới xuất hiện ở lớp niêm mạc trên cùng của đại tràng hoặc trực tràng.
- Giai đoạn 1: Ở ung thư đại tràng giai đoạn 1, khối u có thể lan rộng ra thành trong của đại tràng hoặc trực tràng.
- Giai đoạn 2: Đến ung thư đại tràng giai đoạn 2, ung thư đã lan ra bên ngoài đại tràng hoặc trực tràng tới các mô lân cận nhưng chưa tới hạch.
- Giai đoạn 3: Ung thư đại tràng giai đoạn 3 thường ung thư đã lan sang các hạch lân cận nhưng chưa tới các bộ phận khác của cơ thể.
- Giai đoạn 4: Ung thư đại tràng giai đoạn cuối thường đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể, có xu hướng lan tới gan và phổi.
3. Triệu chứng của ung thư đại tràng
3.1 Triệu chứng cơ năng
Dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn đầu gồm có:
- Đau bụng âm ỉ, cơn đau thường không ăn nhịp với bữa ăn, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Có trường hợp không đau nhưng lại có cảm giác nặng bụng. Đôi khi ung thư đại tràng trái nhưng điểm đau lại ở hố chậu phải.
- Thể trạng mệt mỏi, da xanh, sụt cân.
- Rối loạn tiêu hóa như táo bón thường xuất hiện sau cơn đau.
- Đi đại tiện phân lỏng, ngày đi 4 – 5 lần, trong phân có lẫn máu và mủ. Những triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với bệnh kiết lỵ.
- Thực tế có bệnh nhân ung thư đại tràng bị táo bón, có bệnh nhân bị tiêu chảy, đôi khi có xen kẽ những đợt táo bón và tiêu chảy.
- Triệu chứng chảy máu đường ruột có thể xảy ra nhưng rất ít khi đại tiện ra máu tươi, thông thường máu đã lẫn trong phân.
Những người trên 50 tuổi, có tiền sử mắc bệnh kiết lỵ, bệnh trĩ nên chú ý những biểu hiện của ung thư đại tràng vừa nêu trên vì kiết lỵ và bệnh trĩ có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư đại tràng.
3.2 Triệu chứng thực thể
Những triệu chứng ung thư đại tràng giai đoạn đầu vừa nên trên chỉ cho hướng để chẩn đoán nên cần phải khám bụng kỹ. Nếu chưa có khối u hình thành thì rất khó chẩn đoán, kể cả khi nắn sâu xuống bụng cũng không phát hiện một hiện tượng nào bất thường. Nếu có khối u hình thành thì việc chẩn đoán dễ dàng hơn, nắn khối u bên phải thường dễ phát hiện hơn vì chúng thường to hơn khối u ở bên trái.
3.3 Triệu chứng cận lâm sàng
Để giúp việc chẩn đoán bệnh chính xác cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp phim X-quang, siêu âm, soi trực tràng – đại tràng, sinh thiết, phát hiện kháng nguyên CEA, là kháng nguyên phôi ung thư biểu mô.
Thực tế, hầu hết các bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng đều đến bệnh viện muộn vì biểu hiện ung thư đại tràng giai đoạn đầu rất khó nhận biết và thường nhầm lẫn với viêm đại tràng hay bệnh kiết lỵ.
4. Những yếu tố làm nguy cơ ung thư đại tràng
4.1 Tuổi cao
Nhiều bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại tràng hầu hết lớn hơn 50 tuổi. Bệnh có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi hơn, tuy nhiên trường hợp này ít gặp.
4.2 Tiền sử bị polyp
Nếu bạn đã từng bị polyp, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng trong tương lai.
4.3 Viêm nhiễm hệ tiêu hóa
Những bệnh viêm nhiễm mãn tính ở đại tràng như viêm loét hay bệnh Crohn có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
4.4 Tiền sử gia đình mắc polyp hoặc ung thư đại tràng
Bạn có khả năng mắc bệnh cao nếu bố, mẹ, anh, chị bạn đã mắc phải tình trạng này. Càng nhiều thành viên trong gia đình mắc bệnh, nguy cơ của bạn càng cao.
4.5 Chế độ ăn ít chất xơ, nhiều chất béo
Ung thư đại tràng có thể có liên quan đến chế độ dinh dưỡng nhiều chất béo và ít chất xơ. Nhiều nghiên cứu đã đưa ra các kết luận khác nhau. Tuy nhiên, một vài nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều thịt đỏ với nguy cơ ung thư đại tràng.
4.6 Lối sống ít vận động
Nếu bạn ít vận động, bạn sẽ có nguy cơ gia tăng ung thư đại tràng. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
4.7 Tiểu đường
Người bị tiểu đường có thể gia tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
4.8 Béo phì
So với những người có cân nặng bình thường và khỏe mạnh, những người mắc bệnh béo phì có thể gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
4.9 Hút thuốc
Những người hút thuốc cũng sẽ có khả năng mắc bệnh này cao hơn những người không hút thuốc.
4.10 Sử dụng thức uống có cồn
Uống quá nhiều rượu bia có thể tăng nguy cơ mắc tình trạng này.
4.11 Xạ trị ung thư
Bạn sẽ có nguy cơ mắc ung thư đại tràng nếu đã từng xạ trị ở vùng bụng để điều trị những loại ung thư trước đó.
5. Ung thư đại tràng có chữa được không?
Ung thư đại tràng muốn điều trị đạt kết quả tốt phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó yếu tố quan trọng nhất là phát hiện bệnh sớm.
Các nhà khoa học cho rằng những bệnh nhân ung thư đại tràng được can thiệp phẫu thuật sớm thì có khoảng 82% trường hợp có thể sống trên 5 năm. Do đó, điều trị ung thư đại tràng giai đoạn đầu góp phần quan trọng trong hiệu quả điều trị.
Như vậy, bạn có thể chữa khỏi ung thư đại trạng nếu điều trị sớm và không để ung thư đại tràng giai đoạn cuối xuất hiện. Việc chần chừ trong thăm khám và điều trị ung thư đại tràng có thể sẽ “cướp” đi cơ hội sống của bạn bất cứ lúc nào.
Đau bụng âm ỉ và đại tiện bất thường là triệu chứng có thể cảnh báo ung thư đại tràng, không nên bỏ qua (Nguồn: Internet)
6. Phương pháp điều trị ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng có nhiều phương pháp điều trị can thiệp như: phẫu thuật, dùng hóa chất chống ung thư, tia X-quang kết hợp phẫu thuật với hóa chất, tia phóng xạ...
Cho đến nay phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính. Việc điều trị bằng hóa chất có khả năng diệt tế bào ung thư nhưng không diệt được tế bào ung thư cuối cùng nên phương pháp điều trị bằng hóa chất thường kết hợp với phẫu thuật và X-quang. Dùng hóa chất sẽ làm giảm một lượng lớn tế bào ung thư, số còn lại dùng phẫu thuật lấy bỏ nốt hoặc dùng hóa chất sau phẫu thuật để tiêu diệt những tế bào ung thư mà phẫu thuật không lấy được hết.
Hiện nay phương pháp điều trị kết hợp giữa phẫu thuật với hóa chất chống tế bào ung thư ngày càng được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, hóa chất không những diệt tế bào ung thư mà còn có thể diệt cả một số tế bào bình thường khác như bạch cầu, vì vậy bệnh nhân cần phải được theo dõi thường xuyên trong quá trình điều trị.
Phương pháp điều trị bằng tia phóng xạ cũng được kết hợp với phẫu thuật nhưng ít hơn so với hóa chất chống ung thư. Thông thường tia phóng xạ được chỉ định điều trị cho những trường hợp không còn khả năng điều trị bằng phẫu thuật và những trường hợp tái phát sau phẫu thuật.
Tùy vào tình trạng sức khỏe mà bệnh nhân có thể cần một hoặc nhiều biện pháp điều trị kết hợp. Quan trọng nhất là hãy luôn tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đạt kết quả điều trị tốt nhất cũng như phòng tránh ung thư đại tràng tái phát.