Chờ...

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM mới nhất 8/9/2021

(VOH) - Tính từ 17g ngày 7/9 đến 17g ngày 8/9, TPHCM ghi nhận 7.308 trường hợp nhiễm mới trên hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19.

Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM đã có tổng cộng 273.154 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

toi-8-9-tphcm-ghi-nhan-them-7-308-ca-nhiem-covid-19-moi-voh.com.vn-anh1

Tính đến ngày 6/9/2021, tại TPHCM, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm cho người dân trên 18 tuổi là 6.725.192 người. (Ảnh: HL)

Thành phố đã tổ chức các Trạm Y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà. Triển khai phát túi thuốc A,B,C cho F0 chăm sóc, điều trị tại nhà. .

Về tình hình tiêm chủng, tính đến ngày 6/9/2021, tại TPHCM, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm cho người dân trên 18 tuổi là 6.725.192 người (tăng 171.644 mũi vắc xin so với ngày 05/09/2021); trong đó tổng số mũi 1 là 6.132.354 (đạt tỷ lệ 88,9%), mũi 2 là 592.838 (đạt tỷ lệ 8,6%); số người trên 65 tuổi, người có bệnh nền được tiêm là 720.190 người.

4 loại vắc xin được triển khai tiêm trên địa bàn TP gồm: AstraZeneca, Morderna, Pfizer và Vero Cell. Hiện nay, các đội tiêm vẫn đang duy trì tốc độ tiêm 200. 000 - 250.000 người/ngày, phấn đấu đạt kế hoạch tiêm chủng của thành phố.

TPHCM đã phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) triển khai lắp đặt 100 camera đọc mã QR tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 7/9. Giải pháp này sẽ mang lại nhiều lợi ích như nhanh chóng trong việc kiểm soát tại các chốt, tránh ùn ứ; hạn chế tiếp xúc; kịp thời xác định nhân thân người lưu thông; ngăn chặn kịp thời F0 vi phạm quy định về giãn cách xã hội. Thời gian quét mã QR của camera chỉ mất từ 2-5 giây, sau đó hệ thống của C06 sẽ tự động kiểm tra lại thông tin, giấy tờ của công dân.

Ngày 8/9, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Thủ tướng về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Qua khảo sát, việc mua sắm thuốc, vật tự y tế; cũng như định mức sử dụng, chi phí điều trị bệnh nhân COVID-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt. Nếu chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không thể duy trì được. Để giải quyết vấn đề này, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính; sớm tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

TPHCM đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại “bình thường mới” với mũi tiến công quan trọng là Vắc-xin + Thuốc + Ý thức. Bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế trong công tác xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng vắc-xin, người dân hãy cùng nhau nâng cao ý thức trong việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giãn cách giữa người với người, các quy định cách ly tại nhà và dùng thuốc đúng cách. Đồng thời theo dõi thông tin tiêm chủng trên địa bàn quận, huyện, phường, xã và tham gia tiêm chủng ngay khi đến lượt.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) khuyến cáo: Vắc xin tốt nhất là vắc xin được chích sớm nhất. Để gỡ bỏ dần giãn cách xã hội, phục hồi kinh tế thì vắc xin là giải pháp quan trọng Thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K + vắc xin.

*Xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vắc xin nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, ngày 08/9/2021, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc xin COVID-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vắc xin khác để tiêm mũi 2 như sau:

Nếu tiêm mũi 1 vắc xin do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất;

Nếu tiêm mũi 1 vắc xin do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer sản xuất và ngược lại.