Theo Tiến sĩ Lê Văn Khảm, Vụ trưởng vụ Bảo hiểm Y tế - Bộ Y tế thì sau 5 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm y tế đã từng bước đi vào cuộc sống, đã tác động tích cực đến chính sách bảo hiểm y tế tại Việt Nam, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua bảo hiểm y tế.
Có thể nói, chính sách bảo hiểm y tế có vai trò quan trọng, đóng góp về tài chính và thực hiện được định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển của hệ thống chăm sóc sức khỏe nước ta, phù hợp với định hướng chính sách tài chính y tế của Tổ chức y tế thế giới và xu thế của các nước trong khu vực.
Những quy định trong Luật khi thực hiện đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, chính sách Bảo hiểm y tế đã góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi…
Những quy định của Luật cơ bản khắc phục những tồn tại gần 20 năm thực hiện chính sách bảo hiểm y tế: “Trong 5 năm qua, chúng ta đã ghi nhận được một số kết quả chính. Nếu như ở thời điểm năm 2015, khi Luật bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung chính thức có hiệu lực thì lúc đó có 76% dân số tham gia bảo hiểm y tế thì đến nay chúng ta có đến 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế.
Một sự gia tăng rất ngoạn mục và được đánh giá rất cao. Tất cả tổ chức quốc tế như Tổ chức y tế thế giới, Ngân hàng thế giới, Tổ chức lao động quốc tế ILO và nhiều quốc gia ngưỡng mộ với kết quả bao phủ y tế của chúng ta.”
Phó Giáo sư -Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, 2014-2019 và xin ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.
Bên cạnh những kết quả đạt được thể hiện rõ ưu điểm trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định pháp luật về Bảo hiểm y tế, trong tổ chức thực hiện Luật.
Do vậy, Bộ y tế tổ chức xin ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm y tế để sửa đổi. Về quan điểm sửa đổi luật Bảo hiểm y tế lần này, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế cho rằng: “Thứ nhất là phải thể hiện cho được thể chế và quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Quan điểm thứ 2 là khắc phục tồn tại vướng mắc trong thực tế triển khai. Thứ 3 là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ tư là đồng bộ với hệ thống pháp luật. Thứ 5 đó là gắn với phân cấp phân quyền và cải cách hành chính. Thứ 6 nữa là chuẩn hóa để nâng cao chất lượng.”
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị mọi người lưu ý khi đóng góp ý kiến cần tập trung thảo luận và đóng góp một số nội dung sau: “Về vấn đề thứ nhất đó là quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Nội dung thứ 2 là phải kiểm soát được chi phí trong bối cảnh nguồn lực cũng rất hạn chế. Nội dung thứ 3 là xây dựng mối quan hệ giữa bảo hiểm y tế với các cơ sở y tế để làm sao xây dựng được mối quan hệ giữa người chi trả và người cung ứng dịch vụ.
Bên cạnh đó, phải quan tâm một vấn đề lớn là người được hưởng dịch vụ - người dân. Làm sao để tăng cường chất lượng dịch vụ, các đơn vị y tế làm sao để tăng cường thủ tục giảm bớt thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi mà tiếp cận với các dịch vụ bảo hiểm y tế trên nguyên tắc là công bằng, hiệu quả và phát triển.”