TPHCM nắng nóng gay gắt chỉ số tia cực tím gây hại ở mức rất cao

(VOH) - Ngày 24/3, chỉ số tia cực tím (UV) cực đại đo được tại các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ, Nam Bộ ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao 7.7- 9.7. TPHCM đo được ở mức rất cao 10.5.

Các tỉnh, thành phố thuộc Trung Bộ, Nam Bộ đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao đến rất cao, phổ biến ở mức 7.7-9.7. Cụ thể, chỉ số tia cực tím cao nhất lúc 12 giờ trưa tại thành phố Hội An (Quảng Nam) là 9.7; thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) là 7.5; thành phố Cà Mau (Cà Mau) là 9.7, Cần Thơ là 8.8 và Thành phố Hồ Chí Minh ở mức cao nhất là 10.5.

tia UV
Tia UV mức rất cao xuất hiện nhiều trong nắng biển gây nguy hại cho con người

Từ 25- 27/3, các tỉnh, thành phố thuộc Trung Bộ và Nam Bộ chỉ số UV đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao vào thời điểm từ 11 giờ đến 13 giờ trong ngày phổ biến là 8-10.        

Theo thang bảng đo chỉ số tia cực tím, chỉ số từ 3-5 là trung bình, từ 6-7 là cao, từ 8-10 là rất cao, trên 10.5 là đặc biệt cao, rất nguy hiểm.

Tia cực tím có thể xuyên qua mây và các loại cửa kính, nếu da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian 25 phút khi chỉ số tia cực tím ở ngưỡng rất cao sẽ gây bỏng da. Ở ngưỡng cực kỳ cao, tia cực tím có nguy cơ làm tổn thương da, gây bỏng mắt nếu da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút.

Tia UV (viết tắt là Ultraviolet); hay còn có tên gọi khác là tia cực tím, tia tử ngoại. Phần lớn trong ánh sáng mặt trời đều có loại tia này. Theo tính toán, tia UV là tia có bước sóng ngắn và năng lượng cao.

Tác hại của tia UV sẽ ảnh hưởng nhiều nhất khi tiếp xúc trực tiếp vào bề mặt da và mắt, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về lâu về dài. Trường hợp tiếp xúc quá lâu với ánh sáng mặt trời thì có thể gây ra hiện tượng ung thư da.

Qua một số nghiên cứu, có thể thấy rằng 90% nguyên nhân của ung thư da là do tác hại của tia UV gây nên. Một số hiện tượng ung thư da mà con người có thể gặp phải như: xuất hiện các vết đốm màu đỏ hoặc tím trên da, có mụn cứng ở mí mắt, một số nốt ruồi xuất hiện bất thường trên da,…

Ngoài ra nếu ở ngoài nắng quá lâu mà không có các biện pháp chống nắng thì sẽ gây ra hiện tượng cháy nắng da. Lúc gặp tình trạng này, da của bạn sẽ chuyển sang màu đỏ. Nguyên nhân là máu chảy vào vùng da bị tổn thương để chữa lành chúng.

Ngoài ra, ánh nắng cường độ cao sẽ khiến cho da mau chóng lão hóa, tạo ra nhiều nếp nhăn, gây tổn thương.

Đối với mắt, tiếp xúc thường xuyên với tia UV có khả năng dẫn đến bệnh viêm giác mạc, đau mắt đỏ, đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc.

Các khuyến cáo được chuyên gia đưa ra là khi đi ngoài trời nắng, bạn có thể sử dụng kính râm có tính năng chống tia UV để bảo vệ đôi mắt, tránh các tác hại của tia UV đến các bộ phận quan trọng của mắt như giác mạc, thủy tinh thể và võng mạc.

Ngoài ra, nên mặc các loại quần áo chống nắng phủ dài tay, che cổ gáy,  đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng đều đặn, đặc biệt chú ý hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ bức xạ tia cực tím gây hại cao nhất.