Chiều 5/7, ông Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - có văn bản khẩn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, về việc xử lý các tình huống người dân trong khu vực phong tỏa có vấn đề về sức khỏe (chưa xác định trường hợp nghi mắc COVID-19).
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện tại, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại thành phố đang diễn biến hết sức phức tạp, số trường hợp phải cách ly tập trung ngày càng tăng. Hiện nay, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và cấp cứu cho người dân từ khu vực phong tỏa đến các bệnh viện vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo cấp cứu kịp thời cho người bệnh trở nên cấp bách.
Theo đó, khi người dân trong khu vực phong tỏa có vấn đề sức khỏe cần được cấp cứu, gọi số "115" để được Trung tâm cấp cứu 115 điều phối xe cấp cứu và kíp cấp cứu đến sơ cấp cứu và chuyển viện (nếu cần).
Trường hợp người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh như: khám thai, chạy thận nhân tạo, hóa trị, xạ trị… gọi "115" để Trung tâm cấp cứu 115 điều phối xe đủ điều kiện, vận chuyển người cách ly theo quy định đến các bệnh viện để khám, chữa bệnh.
Sở Y tế giao các bệnh viện tiếp nhận, khám chữa bệnh và cấp cứu người bệnh đến từ khu vực phong tỏa thực hiện theo quy trình tiếp nhận người bệnh thuộc nhóm có yếu tố dịch tễ.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thông báo cho các UBND phường, xã, thị trấn các bộ phận trực tại khu vực phong tỏa hỗ trợ, tạo điều kiện để xe cấp cứu 115 và xe vận chuyển người bệnh (xe phục vụ phòng chống dịch) vào khu vực phong tỏa để sơ cấp cứu và vận chuyển người bệnh đến các bệnh viện.
Bản tin dịch COVID-19 tối 5/7 của Bộ Y tế cho biết, có 527 ca mắc COVID-19, TPHCM vẫn nhiều nhất với 270 ca.
Tổng số ca mắc trong ngày của Việt Nam là 1.102 ca. Đây là lần đầu tiên tổng số ca mắc trong 1 ngày ở nước ta vượt con số 1.000.
Riêng tại TPHCM, đến nay, thành phố đã ghi nhận gần 6.700 trường hợp mắc COVID-19.
Và tính đến 10 giờ ngày 05/7/2021, TPHCM có tổng cộng 738 điểm phong tỏa.
Sở Y tế đề nghị các đơn vị nghiêm túc triển khai, không để người bệnh trong khu vực phong tỏa không được điều trị, cấp cứu kịp thời hoặc bị gián đoạn chăm sóc với các bệnh lý mạn tính cần theo dõi thường xuyên định kỳ.